CHIẾN TRANH Ở UKRAINE – CON ĐƯỜNG DẪN TỚI CHIẾN TRANH (PATH TO WAR) – Phần 10
Sự trở lại vũ đài quốc tế của nước Nga và những người đứng đằng sau sự trở lại đó
Các bạn thân mến. Trước khi tiếp tục phần 10, tôi buộc phải làm một việc mà tôi không muốn và sẽ có thể sẽ làm phiền các bạn. Đó là việc nhắc nhở về vấn đề bản quyền. Vào ngày 28/7/2023, một bạn đọc đã báo với tôi về việc kênh “Thái tử Sin TV” trên YouTube đã sử dụng bài của tôi mà không nêu tên tác giả. Tôi đã vào trang này và có để lại một comment lưu ý về bản quyền. Chỉ 10 phút sau đó, comment của tôi đã bị kênh xóa và kênh không có bất kỳ sự thay đổi nào. (đây là link của bài sử dụng nội dung của tôi không đúng với yêu cầu về quyền tác giả Tổng thống Putin và ván cờ thế giới ( Rất hay ) - YouTube)
Sau khi xem các nội dung của kênh này, tôi thấy rằng kênh này đã sử dụng nhiều bài viết của tôi và cũng có vi phạm tương tự là không nêu tên tác giả. Như đã nói trong bài viết về vấn đề bản quyền của trang này (GỬI CÁC BẠN ĐÃ, ĐANG VÀ SẼ SỬ DỤNG NỘI DUNG ĐĂNG TẢI CỦA TÔI MÀ KHÔNG TRÍCH DẪN (substack.com)), tôi đã nói rằng “các bạn thoải mái sử dụng nội dung của Blog mà không cần phải xin phép. Tuy nhiên, một điều kiện là các bạn phải trích dẫn nguồn rõ ràng.”
Cũng trong bài này, tôi đã nói “…về việc mình suy nghĩ thế nào và sẽ hành động thế nào về việc các bạn sử dụng nội dung của Blog mà không trích dẫn nguồn.
Dù mục đích của các bạn là gì: muốn nổi tiếng hay muốn kiếm tiền từ việc sử dụng nội dung của Blog, tôi không quan tâm và cũng không phản đối. Điều khiến tôi sẽ hành động là việc làm đó của các bạn thể hiện sự coi thường đối với những người đọc, xem, nghe các bạn (ví dụ: những người subscribe cho kênh của các bạn trên Tik Tok hoặc Youtube). Bạn kiếm tiền từ niềm tin của họ rằng bạn là một người trung thực và nội dung của bạn nói, viết không phải là nội dung lấy của người khác. Hành động đó của bạn cũng coi thường những người đọc của Blog này - những người tôn trọng công sức của tôi viết ra những suy nghĩ của mình và chia sẻ với họ. Bạn coi thường họ vì cho rằng họ không nhận ra là các bạn đang ăn trộm nội dung của tôi để lừa dối những người là độc giả, người nghe, người xem kênh của các bạn. Và cuối cùng, bạn coi thường tôi, người viết ra những nội dung này.”
Ở đây có một điều đáng lưu ý là những người điều hành kênh này, mặc dù học đọc bài viết của tôi và đọc lại cho những thính giả của mình nhưng họ không hề nhận thấy rằng họ đang cử xử một cách ngạo mạn, vị kỷ và bất chấp quyền lợi của người khác. Họ hành động bất chấp mọi cảnh báo, mọi nhắc nhở và nghĩ rằng những việc mình làm sẽ không ai biết. Cũng giống như những gì đang diễn ra, họ sẽ buộc những người có quyền lợi bị họ chà đạp phải đối phó họ.
Tôi xin thông báo:
“Tôi không cho phép kênh được nêu sau đây sử dụng bất kỳ nội dung nào, dưới bất kỳ hình thức nào của các bài viết của tôi trên blog này: kênh mang tên “Thái tử Sin TV” (Thái tử Sin TV - YouTube) và kênh “Thái tử Han TV” (Thái tử Han TV - YouTube) (thuộc cùng nhóm quản trị) trên YouTube và các kênh có tên “Thái tử Sin TV” và “Thái tử Han TV” trên bất kỳ nền tảng mạng xã hội, giải trí nào có tính năng tương tự với các nền tảng Facebook, YouTube, TikTok.
Trong trường hợp các bạn muốn nghe các bài viết của tôi thay vì đọc, các bạn có thể truy cập kênh THVN - YouTube hoặc kênh Tư liệu mở Unboxing File - YouTube. Xin lưu ý là tôi (i) không sở hữu cũng như có bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào với các kênh và (ii) cũng không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với các nội dung đăng tải trên kênh này. Tôi giới thiệu hai trang trên vì đây là các trang đã rất nghiêm túc, trân trọng và chuyên nghiệp trong việc chuyển thể các bài viết của tôi sang định dạng âm thanh và hình ảnh”.
Cảnh báo trên sẽ được đặt trên đầu mỗi bài viết tiếp theo trong chuỗi bài này.
Có hai lý do để việc đặt cảnh báo trên lên mỗi bài.
Thứ nhất, tôi tạo ra bằng chứng không thể chối cãi về việc tác giả không cho phép các kênh vi phạm trên được sử dụng các nội dung của blog. Việc đặt cảnh báo lên đầu và là một phần không thể tách rời của bài viết sẽ là một bằng chứng hiển nhiên khiến cho những người quản lý các kênh vi phạm nêu trên không thể nói là không biết. Bằng chứng này sẽ được sử dụng để làm việc với các công ty quản lý các nền tảng trên và cơ quan nhà nước Việt Nam sau này. Một phần của các bước sẽ tiến hành đã được tôi trình bày trong bài GỬI CÁC BẠN ĐÃ, ĐANG VÀ SẼ SỬ DỤNG NỘI DUNG ĐĂNG TẢI CỦA TÔI MÀ KHÔNG TRÍCH DẪN (substack.com).
Thứ hai, tôi giới thiệu các kênh hoạt động một cách chuyên nghiệp, công chính và tôn trọng người viết cho bạn đọc để khuyến khích một môi trường lành mạnh cho hoạt động chia sẻ tri thức. Hiện nay, mỗi bài viết của tôi có khoảng 40.000 lượt người đọc. Tôi hy vọng rằng việc chia sẻ này sẽ giúp cho các kênh hoạt động một cách công chính như THVN hay Tư liệu mở Unboxing File có thêm bạn đọc.
Cuối cùng của phần thông báo này, tôi xin cảm ơn tất cả các bạn đọc đã đọc, chia sẻ, trao đổi quan điểm với tôi trên blog này. Tôi hy vọng các bạn sẽ cùng chung quan điểm với tôi rằng một xã hội muốn phát triển được về văn minh và tri thức thì cần phải có thái độ rõ ràng đối hành vi vi phạm quyền tác giả. Nếu chúng ta không làm điều đó thì không sớm thì muộn, những người tham gia chia sẻ tri thức như tôi sẽ không còn muốn tiếp tục công việc này nữa.
Xin chân thành cảm ơn các bạn.
PHẦN 10
Sự trở lại vũ đài quốc tế của nước Nga và những người đứng đằng sau sự trở lại đó
Vì vụ “binh biến” của Yevgeny Prigozhin và một số binh lính trong tập đoàn Wagner nên chúng ta đã tách riêng phần 9 ra để bàn về sự kiện đó. Do đó, phần 10 này là phần nối tiếp phần 8 trong loạt bài này.
Ở phần 8, chúng ta đã thấy rằng sau khi Liên Xô và khối quân sự Warsaw sụp đổ thì người Nga nhận ra rằng NATO không những không biến mất mà nó còn gia tăng cả về số lượng thành viên lẫn ngân sách quân sự. Các cuộc “Đông tiến” của NATO áp sát biên giới Nga là không ngừng nghỉ và NATO không chỉ thu nhận các nước Đông Âu vào làm thành viên mà thực sự đã vươn tới các nước cộng hòa cũ của Liên Xô ở cả phía Tây, Tây Nam và phía Nam (vùng Trung Á) của Nga.
Cùng với sự gia tăng của các nguy cơ về an ninh do việc Đông tiến của NATO, người Nga nhận thấy rằng những “giúp đỡ” của phương Tây (từ cả đầu tư tới tư vấn cải cách kinh tế, xã hội) không làm thay đổi nước Nga theo chiều hướng tốt hơn mà thực ra là tạo ra những chiếc vòng kim cô đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và quân sự của Nga.
Vào tháng 2/2023, khi nhìn lại một năm ngày nổ ra chiến tranh ở Ukraine, giới nghiên cứu và bình luận quốc tế đã thống nhất ở một điểm là cuộc chiến ở Ukraine chỉ là một phần nhỏ trong một cuộc chiến toàn cầu mà Putin đã phát động và các bên đều cho rằng Putin đã cảnh báo về cuộc chiến đó (mà vào thời điểm đó không ai nhận) thông qua bài phát biểu của ông tại hội nghị thượng đỉnh về chính sách an ninh tại Munich vào tháng 3/2007.
Muốn hiểu về cuộc chiến toàn diện mà Putin phát động thì chúng ta phải hiểu về: (i) học thuyết nào là nền tảng cho các hành động của nước Nga để quay lại vũ đài, và (ii) nước Nga trở lại vũ đài quốc tế dưới mô hình nào.
Để hiểu được học thuyết làm nền tảng cho các hành động của nước Nga thì chúng ta cần phải biết (i) ai là tác giả của nó, (ii) người thực thi nó chỉ là một mình Putin hay là ai khác. Muốn hiểu được điều này thì chúng ta lại phải hiểu được quá trình Putin lên nắm quyền lực, ai là người đưa ông lên, quá trình đấu tranh về quyền lực trong nội bộ nước Nga trong quá trình cải tổ để quay lại vũ đài chính trị thế giới.
Tất cả các vấn đề trên nếu bị tách rời ra thì chúng ta sẽ không hiểu được toàn diện vấn đề. Do đó, phần này sẽ rất dài vì nó sẽ bàn tất cả các vấn đề nêu trên.
1. Sự trở lại vũ đài chính trị thế giới của nước Nga:
Vào tháng 3/2007, trong khuôn khổ cuộc thảo luận về chính sách an ninh toàn cầu tại Munich, với sự có mặt của lãnh đạo hầu hết khối NATO, Putin đã mở đầu bài phát biểu của mình rằng “cách thức tổ chức của cuộc hội thảo này cho phép tôi bỏ qua sự lịch sự quá mức và cách thức phải nói vòng vèo những ngôn ngữ ngoại giao nghe vừa tai nhưng sáo rỗng”. Đúng như lời mở đầu đó, Putin đã nêu thẳng những vấn đề mà ông thấy là nguy cơ với an ninh toàn cầu nói chung và Nga nói riêng.
Đầu tiên, ông nhắc lại rằng chỉ 2 thập niên trước, thế giới đã bị chia làm 2 cực, đứng đầu bởi hai siêu cường. Sự phân cực đó đã khiến cho cả thế giới bị chia rẽ cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế. Sự phân cực đó đã tạo ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng cho thế giới. Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, thì đạn dược, vũ khí của các bên vẫn còn nguyên và tương tự như vậy, cách tư duy theo hệ tư tưởng thời Chiến tranh lạnh, các tiêu chuẩn kép và tư duy kiểu khối quân sự của cuộc chiến đó vẫn như thế.
Thế giới đơn cực được hình thành sau Chiến tranh Lạnh, theo Putin, không giải quyết vấn đề chia rẽ của thế giới mà chỉ đơn thuần là tạo ra một thế giới mới trong đó chỉ có một trung tâm quyền lực (một trung tâm ra các quyết định cốt tử với thế giới) và một trung tâm của quyền lực quân sự. Putin nói rằng người Nga thường xuyên được “dạy dỗ” về dân chủ nhưng những người đi dạy nước Nga lại không tự mình học về điều họ nói.
Sau đó, Putin khẳng định “tôi cho rằng mô hình đơn cực này không chỉ không thể chấp nhận được mà còn là bất khả thi trong thế giới ngày nay”. Tôi cho rằng đây chính là nhận định quan trọng nhất của Putin và nó đã chi phối toàn bộ hành động của nước Nga từ tời điểm đó cho tới nay. Nhận định này cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tương lai của thế giới.
Sau nhận định chính nêu trên, Putin diễn giải cụ thể hơn các vấn đề của thế giới.
Ông nói rằng đang có một cơn say sử dụng vũ lực quân sự trên trường quốc tế và không ai cảm thấy an toàn. Việc này diễn ra là do càng ngày càng có sự coi thường các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Các quy chuẩn pháp lý càng ngày càng bị ép khiến cho giống với một hệ thống pháp luật của một quốc gia – và quốc gia đó là Mỹ. Quốc gia này thường xuyên can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và sự can thiệp đó thể hiện rất rõ qua các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục mà Mỹ áp đặt lên các quốc gia khác.
Putin sau đó nhấn mạnh rằng “tôi tin rằng chúng ta đã tới thời điểm quyết định, khi mà chúng ta buộc phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về cấu trúc an ninh toàn cầu. Chúng ta phải tiến hành việc tìm kiếm một sự cân bằng về lợi ích của tất cả các bên tham gia quan hệ quốc tế.”
Việc Putin nói rằng năm 2007 là thời điểm quyết định để các bên cùng suy nghĩ về cơ cấu an ninh toàn cầu và cơ cấu đó phải cân bằng lợi ích của tất cả các bên đã bị các lãnh đạo phương Tây cười khẩy và bỏ qua. Các bạn có thể tận mắt thấy thái độ của họ trong khi nghe Putin phát biểu vì tường thuật toàn văn của bài nói này có thể tìm thấy trên YouTube. Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra thì đa số các nhà quan sát đều cho rằng bài phát biểu ở Munich đánh dấu việc nước Nga chính thức thể hiện rằng mình đã trở lại với vũ đài chính trị toàn cầu.
2. Một Liên bang Xô Viết kiểu mới hay là một đế quốc Nga Sa hoàng của thế kỷ 21?
Khi toan tính quay trở lại vũ đài chính trị thế giới, nước Nga biết rằng phương Tây sẽ áp dụng phương thức mà họ đã dùng để đánh bại Liên Xô trước đây. Đó là tuyên truyền cô lập, làm suy yếu cả về kinh tế, quân sự, và bước cuối cùng là gây bất ổn cho chính trị trong nước để dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước. Do đó, việc đầu tiên để quay trở lại vũ đài chính trị mà nước Nga phải làm là đối phó với cách thức mà phương Tây sẽ tuyên truyền để cô lập họ.
Cho tới nay, nước Nga trong con mắt thế giới chỉ có 2 mô hình: (i) Liên bang Xô Viết và (ii) đế quốc Nga Sa hoàng. Với phương Tây thì trong cả hai trường hợp họ cũng đều có cách để tuyên truyền hiệu quả để lôi kéo các quốc gia khác chống lại Nga.
2.1 Tuyên truyền chống lại Liên Xô:
Một trong các mặt trận chống lại Liên Xô mãnh liệt nhất và được thực hiện xuyên suốt từ khi nhà nước này được thành lập tới tận ngày ngay (sau khi nhà nước này sppppã 32 năm (2023)) và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới là tuyên truyền của phương Tây về tư tưởng cộng sản. Việc tuyên truyền chống Liên Xô là để nhằm cô lập nước này và lôi kéo các bên trung lập về phía phương Tây trong cuộc đối đầu với Liên Xô và phong trào cộng sản do nước này đứng đầu.
Tuyên truyền chống Liên Xô được thực hiện theo cách thức dựa trên hệ thống chính trị, xã hội hiện có và chính đường lối tuyên truyền của Liên Xô rồi diễn giải, bóp méo nó ở những chỗ quan trọng nhất.
Trước hết, phương Tây nói rằng toàn bộ hệ thống chính trị, nhà nước, và định hướng chính sách của Liên Xô được xây dựng trên hệ tư tưởng của Đảng cộng sản Liên Xô. Hệ tư tưởng cộng sản này có nguồn gốc từ thế kỷ 19 và dựa trên các tác phẩm của nhà tư tưởng số một của học thuyết cộng sản là Karl Marx. Họ nhấn mạnh rằng có ba tôn chỉ cốt lõi nhất của hệ tư tưởng cộng sản vào thế kỷ 19 và các tôn chỉ này được nêu trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản” do chính Marx viết.
Thứ nhất, hệ tư tưởng này coi đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của mọi xã hội (“Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp.” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản)). Từ đó họ dẫn giải rằng nếu cuộc đấu tranh của người cộng sản thành công thì mọi tầng lớp của xã hội sẽ bị xóa bỏ, chỉ còn giai cấp vô sản, sẽ không còn tư hữu, gia đình riêng, tôn giáo, giáo dục. Tất cả sẽ là của chung – từ tài sản tới vợ con, không còn tôn giáo và cha mẹ sẽ không còn có quyền giáo dục con cái mình nữa.
Thứ hai, đó là những người cộng sản sẽ sử dụng bạo lực một cách công khai trong việc giành chính quyền (“Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành.” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản)). Điều này được diễn giải rằng nếu các quốc gia, các thành phần giai cấp khác không tiến hành đấu tranh vũ trang với những người cộng sản thì họ cũng sẽ bị những người cộng sản tiêu diệt bằng bạo lực cách mạng.
Thứ ba, cuộc cách mạng vô sản là một cuộc cách mạng mang tính toàn cầu. (“Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản)).
Với ba lập luận trên, phương Tây thuyết phục các nước thứ ba, trung lập trong thời gian chiến tranh lạnh rằng nhà nước Liên Xô chỉ là một công cụ của Đảng Cộng sản Liên Xô để thực hiện ý tưởng cộng sản của họ. Và ý tưởng đó dựa trên việc (i) xóa bỏ mọi giai cấp, mọi nền tảng cơ bản nhất của xã hội là tư hữu, gia đình, tôn giáo, giáo dục... (ii) Liên Xô sẽ sử dụng bạo lực cách mạng để làm điều đó, và (iii) không một quốc gia nào sẽ được an toàn vì cuộc cách mạng của những người cộng sản có quy mô toàn cầu.
Điều thú vị là ngay trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản, Marx đã đề cập tới chính cách thức tuyên truyền chống lại tư tưởng cộng sản nêu trên và giải thích rõ những cách tuyên truyền này bóp méo tư tưởng cộng sản ở chỗ nào. Tuy nhiên, Liên Xô đã không thành công trong việc “phản tuyên truyền” đối với các tuyên truyền của phương Tây. Phương Tây đã khai thác tối đa các vấn đề liên quan tới chính sách kinh tế, chính trị, đối nội và đối ngoại của Liên Xô để làm “bằng chứng” cho lập luận của họ. Trong số “bằng chứng” này có (i) chính sách tập thể hóa nông nghiệp và sự đàn áp tầng lớp trung nông ở Nga và Ukraine; (ii) việc thành lập các trại lao động cải tạo (gulag) với số lượng lớn người bị đi đày tới đó thuộc các tầng lớp trí thức, chức sắc tôn giáo, tư sản...; (iii) các cuộc thanh trừng trong nội bộ đảng; (iv) việc hỗ trợ phong trào cộng sản quốc tế bằng cả tiền bạc, vũ khí, cố vấn và trong nhiều trường hợp là can thiệp quân sự trực tiếp, (v) việc can thiệp quân sự vào các quốc gia anh em như Hungary 1956, Tiệp Khắc 1968 hay Afghanistan 1979 khi các đảng cộng sản hoặc xã hội ở các quốc gia này có đường lối khác với đường lối của Đảng Cộng sản Liên Xô. Tất cả các điều đó đều được phương Tây khai thác triệt để như là bằng chứng để chứng minh 3 lập luận nêu trên.
Việc tuyên truyền của phương Tây được tiến hành không chỉ trên phương diện nhà nước thuần túy (các đài phát thanh, truyền hình hay sách báo tiếng Nga được nhà nước phương Tây tài trợ) mà được thực hiện một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, và dưới nhiều hình thức. Một ví dụ là cơ quan tình báo Mỹ có hẳn một chương trình liên quan tới việc theo dõi các tác phẩm văn học của các nhà văn Liên Xô (được phát hành hay không được phát hành) để nhằm chọn lọc ra các tác phẩm có lợi cho chính sách tuyên truyền chống Liên Xô. Họ đặc biệt nhắm vào các cuốn sách không được Liên Xô cho xuất bản để cho in, trao giải thưởng, nâng nó lên tầm thế giới. Ba ví dụ điển hình là về văn học của Nga trong thời kỳ Xô Viết được phương Tây biết nhiều nhất là ba ấn phẩm “Bác sỹ Zhivago” (được giải thưởng Nobel năm 1958), “Sông Đông êm đềm” (giải thưởng Nobel 1965) và “Quần đảo Gulag” (được giải thưởng Nobel năm 1970). Nếu đọc cả 3 tác phẩm này thì các bạn sẽ thấy rất nhiều các câu chuyện về sự hỗn loạn của những năm tháng Nội chiến và giai đoạn khốc liệt liên quan tới tập thể hóa nông trang và xây dựng công nghiệp trong 20 năm đầu của Liên Xô. Điểm giống của cả 3 tác phẩm là cả ba đều bị nhà nước Liên Xô không cho xuất bản (riêng trường hợp “Sông Đông êm đềm” sau này được xuất bản và được giải thưởng Stalin vì chính Stalin cho đọc tác phẩm và yêu thích nó). Bộ phim “Bác sỹ Zhivago” được Hollywood dựng thành phim và đoạt hàng chục giải thưởng quốc tế và trở thành một trong các tác phẩm kinh điển. Trường hợp tiểu thuyết “Bác sỹ Zhivago” thì thậm chí còn được CIA tự ý in bản tiếng Nga và phát miễn phí tại khu giới thiệu của Vatican trong Triển lãm Thế giới tại Brussels, Bỉ năm 1958. Đáng chú ý là, trong 30 năm Chiến tranh Lạnh, vào giai đoạn cao trào thì các tác giả Liên Xô có 3 giải thưởng Nobel trong đó 2 người được coi là những người đối lập với nhà nước Xô Viết. Tuy nhiên, 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ thì không có tác giả người Nga nào được trao giải Nobel – và có một sự trùng lặp đáng chú ý là cũng trong thời gian này, không có tác phẩm văn học nào “chống Putin” có tính chất tương tự như “Quần đảo Gulag” hay “Bác sỹ Zhivago”. Nếu có một tác phẩm chống Putin tương tự như các tác phẩm chống Liên Xô nêu trên, tôi đoán tác phẩm đó có khả năng lớn sẽ được giải Nobel.
Ngoài việc xuất bản các tác phẩm “đối lập” của Liên Xô, hệ thống phim ảnh của phương Tây (trong những thập niên 1950 tới tận bây giờ) luôn xây dựng một hình ảnh về Liên Xô đầy nguy hiểm. Tương tự như vậy, các trò chơi điện tử trong 30 năm từ lúc xuất hiện tới nay thì Liên Xô luôn được thể hiện ở vai người xấu.
Cách thức tuyên truyền toàn diện đó của phương Tây, nói một cách thẳng thắn, đã thành công.
Một ví dụ điển hình là cuộc hội thoại giữa Che Guevara (một trong những nhà cách mạng quốc tế kiệt xuất của Mỹ La-tinh và là người trong ban lãnh đạo phong trào giành độc lập của Cuba) và một du kích quân của ông khi họ chưa lật đổ chế độ độc tài Batista ở Cuba. Khi được Che hỏi là anh sẽ làm gì sau khi lật đổ được Batista, anh du kích nói rằng anh sẽ chiến đấu chống lại cộng sản. Khi được hỏi lý do thì anh du kích nói là vì cộng sản sẽ buộc mọi người từ bỏ mọi thứ đang có: tài sản, tôn giáo, gia đình và dân tộc. Tất nhiên là người du kích đã rất sốc khi Che nói rằng ông là một người cộng sản và Che phải giải thích rất nhiều cho anh để hiểu về phong trào mà anh đang tham gia. Ví dụ trên cho thấy nếu một du kích quân tham gia phong trào của đảng cộng sản Cu-ba, chiến đấu ngay cạnh các lãnh tụ cao nhất của phong trào mà còn không hiểu về mục đích hướng tới của phong trào đó thì việc các nhà nước phi cộng sản coi Liên Xô là một nguồn nguy hiểm đối với sự tồn vong của họ là điều dễ hiểu.
Chúng ta sẽ bàn về cách mà nước Nga đối phó với chính sách tuyên truyền này để phá thế bị bao vây cô lập ở phần sau.
2.2 Tuyên truyền chống lại một nước Nga Sa hoàng mới
Cách thức tuyên truyền thứ nhất để chống lại nước Nga Sa hoàng là nói về quá trình mở rộng và chinh phục đất đai của các Sa hoàng. Thứ hai, sử dụng vấn đề chủng tộc, coi người Nga là một chủng tộc châu Á, man rợ.
Về mặt khách quan, chúng ta phải thừa nhận là, giống như các đế quốc khác, các Sa hoàng Nga đã sử dụng bạo lực để, trong 1000 năm, biến một một vùng lãnh thổ nhỏ quanh thành phố Novgorod thành một quốc gia có lãnh thổ lớn nhất thế giới và chiếm 1/6 diện tích tất cả các lục địa trên hành tinh. Phương Tây sẽ nhắc nhở rằng lịch sử phát triển của nước Nga cho thấy hầu hết các đế quốc trên con đường tiến lên của Nga đều bị đánh bại. Điều khác nhau với các đế quốc khác là, tuy nước Nga đã mất đi nhiều phần lãnh thổ sau thế chiến thứ 1 và sự tan rã của Liên Xô thì nước Nga vẫn là quốc gia có lãnh thổ rộng nhất thế giới. Trong khi đó, người Anh, vào đầu thế kỷ 20 đã tự hào rằng “mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh” thì giờ đây đã thu về chỉ còn là vài hòn đảo bên rìa lục địa châu Âu.
Một cách thức kinh điển thứ hai để tuyên truyền chống lại một nước Nga Sa hoàng là coi nước Nga và dân tộc Nga là một quốc gia và dân tộc thuộc về châu Á để làm cho người dân các nước châu Âu thấy xa lạ và ghê sợ. Trong lịch sử phương Tây, các cuộc tấn công của các bộ tộc du mục châu Á dưới sự lãnh đạo của Attila (mà phương Tây gọi là “the Hun” (hay có thể dịch theo Hán việt là Hung nô)) đã tàn phá đế quốc Tây La Mã mãnh liệt tới mức dẫn tới sự sụp đổ của đế quốc này. Sự kinh sợ của người châu Âu đối với Attila và tộc người của ông lớn tới mức, sau này, từ “Hung nô” được người châu Âu dùng để chỉ tất cả các thế lực quân sự hùng mạnh nào tới từ phương Đông. Tùy từng lúc, từng thời kỳ mà người Nga, người Ottoman hoặc thậm chí là quân Đức trong Thế chiến thứ Nhất đều bị gọi là Hung nô để nói rằng các lực lượng đó là man rợ và tàn bạo. Phương Tây đã gọi nước Nga Sa hoàng nhiều lần trong quá khứ là Hung nô. Chính quyền Quốc xã Đức trong giai đoạn cuối 1944-1945 đã gọi việc Hồng quân tiến vào lãnh thổ Đức là một cuộc xâm lược của Hung nô và của đám man rợ châu Á.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này (việc sử dụng yếu tố dân tộc) trong các phản ứng chống lại mọi thứ liên quan tới dân tộc, văn hóa Nga trong thời kỳ đầu của cuộc chiến Ukraine. Các nước phương Tây đã kích động và tạo ra một cơn lên đồng tập thể dẫn tới việc cấm việc trình diễn các tác phẩm nghệ thuật của các tác giả Nga cũng như việc cấm các vận động viên Nga tham dự các cuộc thi thể bất chấp tinh thần thể thao là phi chính trị.
Điều đáng lưu ý là yếu tố này đã được đẩy lên ở một mức độ cao hơn cả cách thức phương Tây đối xử với kẻ thù trong chiến tranh thế giới thứ hai hay chiến tranh Lạnh.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, đài phát thanh Belgrade (Nam Tư) bị Đức chiếm đóng thường xuyên phát bài hát Lili Marlene như nhạc hiệu kết thúc chương trình phát thanh. Đây là một bài hát do một nhạc sỹ thành viên đảng quốc xã Đức vào năm 1938 phổ một bài thơ một người lính Đức của Đế quốc Đức viết năm 1915 (trong thế chiến thứ 1) và được ca sỹ Đức Lale Andersen ghi âm năm 1939. Trong cuộc vây hãm Tonbruck ở Bắc Phi năm 1941, tướng Rommel chỉ huy quân Đức đang bao vây quân Úc trong thành phố đã cho phát bài hát này trên hệ thống phát thanh của liên quân Đức và Ý. Các binh sỹ Đồng Minh cũng nghe bài hát này trên đài phát thanh và cũng yêu thích nó không kém gì quân Đức. Có một lần đài phát thanh của quân Đức bị hỏng và trong một thời gian họ không thể phát bài hát. Sau đó một lính Úc trong lực lượng Đồng Minh xuất hiện với lá cờ trắng trước vị trí quân Đức. Khi được hỏi có phải anh ta định đầu hàng thì anh trả lời là “không”, điều anh muốn chuyển tới bộ chỉ huy Đức là các cấp trên của anh muốn biết bộ chỉ huy Đức có thể cho phát lại bài Lili Marlene mỗi tối như trước hay không. Mặc dù toàn bộ nhạc và lời bài hát là từ hai kẻ thù trong chiến tranh (Đế quốc Đức trong thế chiến thứ nhất và nước Đức phát xít trong thế chiến thứ hai) nhưng bài hát đã phổ được phổ biến trên toàn bộ mặt trận phía Tây trong và cả sau chiến tranh. Các ca sỹ hàng đầu của Mỹ trong thập niên 40, 50, 60 đều đã hát bài này với các thứ tiếng khác nhau và bài hát này được công nhận là bài hát phổ biến nhất đối với binh sĩ của tất cả các bên ở mặt trận phía Tây. (Các bạn có thể nghe bài hát gốc này ở đây
Trong chiến tranh Lạnh, các sự kiện thể thao quốc tế cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị. Tuy nhiên, khi một quốc gia không đồng ý với quốc gia còn lại, họ sẽ tẩy chay, không cử đoàn thể thao của mình tham dự chứ không có chuyện ban tổ chức cuộc thi cấm sự tham gia của đoàn vận động viên nước kia. Ví dụ, trong đại hội Olympic 1980 ở Moscow, các nước phương Tây đã từ chối cử đoàn vận động viên của mình tham dự để phản đối việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan.
Việc đề cập tới bài hát Lili Marlene và đại hội Olympic 1980 ở trên là để cho chúng ta thấy phản ứng giống như lên đồng của phương Tây đối với Nga trong cuộc chiến Ukraine đã vượt xa phản ứng của họ với các cựu thù trong quá khứ như thế nào. Có thể nói, nước Nga mới của Putin dường như bị phương Tây lo sợ hơn cả nước Đức Quốc xã và Liên Xô. Phản ứng thái quá này hoàn toàn có thể hiểu được và chúng ta sẽ bàn về nó ở bên dưới.
Cách thức thứ ba là kích động cảm giác khinh thường khi mô tả nước Nga nghèo đói như một nước thuộc thế giới thứ ba (những năm 1990-2000) hoặc cảm giác sợ hãi (giai đoạn sau năm 2000 tới nay) khi mô tả một nước Nga không có luật pháp, chỉ có mafia, độc tài, một chính quyền bất tài vô dụng, tham nhũng và một quân đội thường xuyên tìm cách chiếm lấy kho vũ khí hạt nhân để tống tiền thế giới. Hãy xem bất kỳ bộ phim của phương Tây nào có liên quan tới Nga, chơi bất kỳ trò chơi điện tử nào có đánh nhau nào thì các bạn sẽ thấy những điều tôi vừa nói.
Để tránh cả hai cách tuyên truyền nhằm cô lập nước Nga nêu trên (nước Nga như một Liên Xô mới hay như một nước Nga Sa hoàng mới), Putin đã cố gắng thực hiện hàng loạt các biện pháp khác nhau cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao, tôn giáo và tuyên truyền để chứng minh rằng: (i) nước Nga mới không phải là một Liên bang Xô Viết hay nước Nga Sa hoàng với tên gọi khác và (ii) đưa ra một quan điểm mới về vị trí của Nga trong bối cảnh quốc tế.
3. Khái niệm về một nước Nga mới trong quan hệ quốc tế
Một trong những sai lầm của phương Tây là cho rằng sau khi Liên Xô sụp đổ thì quyền lợi của nước Nga sẽ bị đặt dưới quyền lợi riêng tư của tầng lớp lãnh đạo, hoặc thậm chí là quyền lợi riêng của một vài người đứng đầu nhà nước.
Sau khi Stalin chết và Liên Xô bước vào Chiến tranh Lạnh, quyền lực quyết định thực sự ở Liên Xô không còn tập trung vào trong tay một cá nhân nữa mà được thuộc về bộ chính trị. Bản thân bộ chính trị được định hướng bởi học thuyết cộng sản và các đường lối chính sách mà đại hội đảng thông qua. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ và cuộc đối đầu giữa Tổng thống Liên bang Nga và quốc hội ngã ngũ (trong đó tổng thống Yeltsin đã dùng xe tăng bắn thẳng vào tòa nhà quốc hội để giải tán đối thủ chính trị của mình) thì về cơ bản, quyền lực ở nước Nga ở trong tay thổng thống và có vẻ như nước Nga không có bất kỳ học thuyết nào để thay thế học thuyết cộng sản trước đây chi phối hành động của họ. Do đó, nếu “nắm” được tổng thống thì sẽ có thể tác động rất lớn tới đường lối, chính sách của Nga.
Việc phương Tây đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tổng thống Yeltsin lật lại được thế cờ khi cuộc đảo chính của các lãnh đạo cộng sản cứng rắn nổ ra năm 1991 và việc ông giải tán quốc hội đối lập với đã khiến cho họ có thể tác động lớn tới Yeltsin. Trong trường hợp đảo chính 1991 thì sự hỗ trợ trực tiếp là việc các nhân sự tình báo Mỹ hỗ trợ cho Yeltsin các thông tin tình báo về tình hình di chuyển của các đơn vị đảo chính về Moscow cũng như thiết lập một hệ thống liên lạc trực tiếp giữa Yeltsin với các đơn vị quân đội để Yeltsin có thể thuyết phục họ ủng hộ mình. Trong trường hợp đối đầu với quốc hội thì đó là các khoản vay lớn được giải ngân trong thời gian ngắn để Yeltsin có thể sử dụng làm trợ cấp đột xuất cho người dân để mua được sự ủng hộ của họ. Với sự hỗ trợ như vậy và việc Yeltsin ngày càng phụ thuộc vào các hỗ trợ kinh tế, chính trị của phương Tây để duy trì quyền lực khiến cho phương Tây có thể tác động trực tiếp vào toàn bộ hệ thống, cơ cấu xã hội chính trị của Nga thông qua việc “nắm” được Tổng thống. Về cách thức này các bạn có thể xem ở phần 7 của loạt bài này:
CHIẾN TRANH Ở UKRAINE – CON ĐƯỜNG DẪN TỚI CHIẾN TRANH (PATH TO WAR) – Phần 7 (substack.com)
Với cách thức “nắm” người lãnh đạo cấp cao nhất như vậy đã khá thành công trong trường hợp Yeltsin, phương Tây đã tính toán là họ sẽ có thể lặp lại với Putin khi ông lên làm tổng thống.
Trong giai đoạn đầu, khi Putin yêu cầu các tập đoàn tài phiệt không được can thiệp vào chính trị và lũng đoạn nhà nước rồi sau đó bỏ tù, quốc hữu hóa tài sản của các nhà tài phiệt chống lại chính sách của ông thì thế giới cho rằng nước Nga mới sẽ là một nước Nga tương tự nước Nga của Boris Yeltsin. Theo đó, Putin, một tổng thống trẻ, khỏe và năng động hơn Yeltsin đang xây dựng một hệ thống sân sau riêng cho mình sau khi loại bỏ các “sân sau” của người tiền nhiệm. Điều đó có nghĩa là luật chơi với Nga (như phương Tây nghĩ là đã tạo ra dưới thời Yeltsin) sẽ vẫn như vậy. Rượu vẫn cũ, chỉ có bình là mới. Đây chính là thời kỳ mà phương Tây chìa bàn tay ra với “Yeltsin mới”. Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Slovenia năm 2001 (một năm sau khi Putin nắm quyền), tổng thống Mỹ nói “[khi] tôi nhìn vào thẳng mắt ông ấy. Tôi thấy ông ấy rất thẳng thắn và đáng tin cậy – tôi có thể cảm nhận được tâm hồn ông ấy.”
Việc nước Nga của Putin là quốc gia đầu tiên hỗ trợ Mỹ thực sự bằng cách cung cấp các thông tin tình báo và cơ sở hạ tầng quân sự tại Trung Á của mình cho Mỹ để mở màn cuộc chiến tranh ở Afghanistan sau cuộc tấn công ngày 11/9/2001 vào tòa tháp đôi ở thành phố New York và việc xuất hiện quanh Putin những nhân vật như Yevgeny Prigozhin, người mà các hoạt động kinh doanh phất lên nhanh chóng nhờ mối quan hệ cá nhân với Putin (Prigozhin được gọi là “đầu bếp của tổng thống” vì các bữa tiệc của Putin với nguyên thủ nước ngoài luôn được đặt tại nhà hàng của ông này) càng khiến cho người ta nghĩ rằng Putin, sẽ hành động thân Mỹ và phương Tây như Yeltsin và ông cũng sẽ đi vào con đường Tổng thống-tài phiệt thân hữu như người tiền nhiệm. Vì lý do đó, khi nước Mỹ xâm lược Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003 thì việc Putin trấn áp triệt để các phần tử ly khai ở Chechnya được phương Tây coi là một biểu hiện về sức mạnh chấp nhận được. (nói nôm na là “anh bạn Putin có vẻ hơi rắn với mấy tay Chechnya, nhưng mà điều này cũng chấp nhận được vì anh ta trẻ hơn Boris thân yêu của chúng ta nhiều”).
Khi Putin bắt đầu dùng các nguồn tài chính thu được từ các cơ sở dầu mỏ bị quốc hữu hóa để chi trả cho các chương trình nâng cao phúc lợi xã hội, đặc biệt là với những người về hưu, cựu chiến binh từ thời Liên Xô và có được sự ủng hộ lớn từ những người vẫn còn nhớ về Liên bang Xô Viết và có sự hợp tác của đảng Cộng sản Nga (tân lập và là chính đảng lớn thứ hai ở Nga) thì phương Tây cho rằng đó là những biện pháp dân túy của Putin để lấy phiếu bầu. Phương Tây bắt đầu nhìn nhận lại Putin khi ông phản ứng cứng rắn với việc phương Tây thúc đẩy việc tỉnh Kosovo tự tuyên bố độc lập khỏi Serbia và vấn đề Georgia (Gruzia trước kia) liên quan tới khu vực thung lũng Pankisi.
Việc coi Yeltsin chỉ là một con rối của phương Tây và Putin sẽ là một Yeltsin mới là sai lầm chiến lược nghiêm trọng nhất của phương Tây – và sai lầm này sẽ dẫn tới tình hình thế giới hiện nay. Để hiểu được điều đó, chúng ta lại phải tạm dừng câu chuyện nước Nga chuẩn bị cho việc quay lại vũ đài quốc tế để đi ngược về quá khứ để hiểu được quá trình thay đổi nhận thức của ban lãnh đạo Nga về phương Tây.
3.1 Nam Tư và sự thay đổi nhận thức của lãnh đạo Liên bang Nga về phương Tây
Sự tan rã của Liên bang Nam Tư và các cuộc nội chiến ở nước này sau đó, sự kiện Kosovo được phương Tây hỗ trợ để ly khai khỏi Serbia, việc truy tố và quá trình xét xử tổng thống Milosevic của Serbia liên quan tới các cáo buộc về hàng loạt “tội ác” của ông trong các cuộc nội chiến là những sự kiện khiến Yeltsin và giới lãnh đạo Nga bắt đầu nhận ra cái gì có thể sẽ đến với nước Nga nếu như họ không thay đổi. Nói đơn giản là, muốn hiểu được sự thay đổi nhận thức của các lãnh đạo nước Nga về phương Tây thì phải hiểu được những gì đã diễn ra với Nam Tư. Trong suốt 25 năm (từ 1991, năm Nam Tư sụp đổ, tới 2008, khi Kosovo tuyên bố độc lập và được phương Tây công nhận), những gì diễn ra với Nam Tư liên hệ mật thiết với những thay đổi nhận thức của các lãnh đạo Nga với phương Tây.
Trước hết, ta cần hiểu mối quan hệ đặc biệt giữa nước Nga và Serbia. Sau khi đế quốc Byzantine bị đế quốc Ottoman tiêu diệt vào thế kỷ 15, nước Nga trở thành nước Chính thống giáo mạnh nhất và được thế giới Chính thống giáo phương Đông coi là người bảo trợ cho họ khỏi các ngược đãi bởi đế quốc Ottoman Hồi giáo và các Công giáo La Mã. (Alexander Nevsky, anh hùng dân tộc đầu tiên của người Nga, là người đã đánh bại các hiệp sỹ Thánh chiến người Đức tại hồ Peipus năm 1242 và chặn đứng nỗ lực buộc người Nga phải từ bỏ Chính thống giáo để theo Công giáo La Mã). Trong khoảng thời gian từ thế kỷ 16 tới thế kỷ 20, đế quốc Nga đã nhiều lần có chiến tranh với Ottoman ở các khu vực miền Nam nước Nga ngày nay và bán đảo Balkan dưới danh nghĩa bảo vệ Chính thống giáo. Trong các cuộc chiến tranh này, người Serbia luôn là đồng minh chủ chốt và trung thành nhất với Nga. Vào năm 1914, nước Nga đã tuyên chiến với đế quốc Áo-Hung khi nước này tuyên bố sẽ tiến quân vào Serbia sau khi các phần tử ly khai người Serbia đã ám sát thái tử của Áo – Hung. Sự kiện này đã khởi đầu cho cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và cũng là sự khởi đầu cho sự diệt vong của đế quốc Nga Sa hoàng.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, phong trào kháng chiến chống phát xít Đức do những người cộng sản Nam Tư lãnh đạo được sự hỗ trợ trực tiếp từ Liên Xô và là lực lượng chống phát xít hữu hiệu nhất ở bán đảo Balkan. Nhờ sự thuyết phục của Stalin đối với Anh và Mỹ, sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên bang Nam Tư được thành lập với nguyên soái Tito, lãnh tụ cộng sản, đứng đầu. Vào năm 1948, Nam Tư và Liên Xô có sự chia rẽ. Lý do thực sự của việc chia rẽ giữa hai quốc gia cộng sản này là việc Nam Tư muốn hỗ trợ vũ khí và tiền bạc cho đảng cộng sản Hy Lạp để giành chính quyền ở nước này và ý định sáp nhập Albania vào Nam Tư. Liên Xô phản đối cả 2 dự định này vì: với trường hợp Albania, Liên Xô không muốn một nước Nam Tư quá mạnh và bản thân đảng cộng sản Albania phản đối điều này. Đối với trường hợp Hy Lạp, Liên Xô phản đối vì giữa Liên Xô và Anh/Mỹ đã có thỏa thuận rằng nếu phương Tây từ bỏ sự công nhận đối với chính phủ lưu vong Ba Lan và công nhận nước Ba Lan cộng sản thì để đổi lại, Liên Xô sẽ từ bỏ hỗ trợ cho đảng cộng sản Hy Lạp. Điều đáng lưu ý ở đây là Liên bang Nam Tư của Tito là quốc gia đầu tiên công nhận tư nền độc lập của Việt Nam và tư cách của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1949. Tuy nhiên, do Nam Tư công nhận Việt Nam sau khi đã chia rẽ về đường lối với Liên Xô nên việc công nhận này không được công bố rộng rãi ở Việt Nam.
Trong thập niên 1970, để phát triển kinh tế, Nam Tư đã vay vốn rất nhiều từ nước ngoài. Do cuộc Chiến tranh Lạnh đang ở giai đoạn căng thẳng nhất, Nam Tư đã được phương Tây cung cấp nhiều khoản vay với điều kiện ưu đãi để tạo ảnh hưởng. Do nền kinh tế của Nam Tư không hiệu quả nên Nam Tư không có khả năng trả nợ và chính phủ duy trì sự ổn định kinh tế bằng cách vay nhiều hơn để trả nợ cũ và duy trì những thành tựu kinh tế đã có. Khi Tito chết vào năm 1980, sự rạn nứt do vấn đề dân tộc giữa các nước cộng hòa bắt đầu xuất hiện. Sau khi Gorbachev bắt tay với phương Tây, phương Tây không còn quan tâm tới việc ve vãn Nam Tư để gây sức ép cho Liên Xô nữa nên đã dừng cho Nam Tư vay mới để trả nợ cũ và duy trì kinh tế. Việc không có một chính đảng, một cá nhân (như Tito) để có thể giải quyết vấn đề mâu thuẫn dân tộc và khủng hoảng kinh tế do chính sách thắt lưng buộc bụng để trả nợ đã dẫn tới sự nổi lên của các phong trào đòi độc lập dân tộc. Cùng trong thời gian này, Romania, một quốc gia cộng sản láng giềng của Nam Tư và cũng vay được vốn rẻ của phương Tây khi có những bất đồng với Liên Xô, cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng tương tự. Cuộc khủng hoảng này đã dẫn tới cuộc nổi dậy của dân chúng và việc xử bắn vợ chồng chủ tịch Nicolae Ceaușescu vào năm 1989 sau một phiên tòa chớp nhoáng và bản án được thực thi ngay sau khi tuyên án.
Sau khi các nước cộng hòa Bosnia và Croatia tuyên bố độc lập, nội chiến đã nổ ra giữa những người Serbia sống tại các nước này và chính quyền mới tuyên bố độc lập. Cộng hòa Serbia, quốc gia hỗ trợ các phong trào đòi độc lập của người Serbia tại các nước mới tách ra khỏi liên bang đã bị phương Tây cấm vận để ngăn chặn sự tiếp viện cho người Serbia.
Sau khi Serbia đã công nhận sự độc lập của các quốc gia tách khỏi Nam Tư, vào năm 1999, tới lượt chính bản thân họ phải trải qua sự ly khai khi tỉnh Kosovo có đa số người Albania đòi tách ra độc lập. NATO đã tiến hành một chiến dịch ném bom dữ dội nhất trên đất châu Âu kể từ sau Thế chiến Thứ hai và phá hủy các cơ sở hạ tầng cơ bản và quan trọng nhất của Serbia cùng với tiềm lực quân sự của quốc gia này. Năm 2001, cựu thổng thống Milosevic bị đưa tới Hà Lan để Tòa án tội phạm quốc tế về Nam Tư của Liên Hợp Quốc xét xử. Năm 2007, ông chết trong khi tòa vẫn đang xét xử và cái chết này xảy ra trong một thời gian rất ngắn sau khi tòa từ chối đề nghị của ông được đưa sang Nga chữa vì tình trạng bệnh lý nguy kịch. Năm 2008, Kosovo, với sự ủng hộ của phương Tây cả về kinh tế lẫn quân sự, đã tuyên bố độc lập. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chuyển vấn đề liệu tuyên bố này có hợp pháp không cho Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc. Tòa án này đã quyết định (với 10 phiếu thuận và 4 phiếu chống) rằng tuyên bố độc lập của Kosovo là “không vi phạm luật pháp quốc tế vì không có quy định nào của luật pháp quốc tế cấm tuyên bố độc lập”. Chính Nga đã sử dụng phán quyết này của tòa quốc tế để biện minh cho việc hai nước cộng hòa ly khai Luhansk và Donetsk ở Ukraine tuyên bố độc lập.
Ở trên chúng ta đã tóm tắt một cách ngắn gọn về lịch sử quan hệ 400 năm Nga – Nam Tư và 25 năm tan rã và chia cắt của Nam Tư. Vậy lịch sử này đã tác động tới nhìn nhận của lãnh đạo Nga về phương Tây ra sao?
Đầu tiên, chúng ta thấy rằng dù khác nhau về quy mô dân số và diện tích, Serbia và Nga có rất nhiều điểm giống nhau. Thứ nhất, cả hai đều là dân tộc chiếm đa số và nắm quyền trong các quốc gia đa-dân-tộc do họ tạo ra. Thứ hai, cả hai đều theo Chính thống Giáo và phải đối đầu với các quốc gia theo Công giáo La Mã ở phía Tây và Hồi giáo ở phía Nam và Tây Nam. Thứ ba, vận mệnh của hai quốc gia này gắn liền với nhau ở các sự kiện quan trọng nhất. Vì bảo vệ Serbia mà nước Nga tham gia Thế chiến thứ Nhất và cả hai cùng bị diệt vong bởi cuộc chiến này. Nam Tư ra đời sau Thế chiến thứ Hai trùng với sự vươn lên trở thành một siêu cường của Liên Xô và hai quốc gia cùng là cộng sản. Tiếp đó, cả Liên Xô và Nam Tư đều lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế những năm 1980s và cuối cùng, cả hai đều tan rã vào những năm 1991-1992 vì các quốc gia thành viên đòi độc lập do vấn đề mâu thuẫn dân tộc.
Trong giai đoạn đầu tiên, 1991-1996, người Nga đi từ lờ mờ nhận biết tới bắt đầu tin vào việc phương Tây đang dùng chung một phương pháp để loại bỏ sức mạnh của Serbia và Nga. Vào giai đoạn đầu 1990, người Nga cho rằng sự suy thoái và tan rã của Nam Tư và Liên Xô là hậu quả của cuộc đối đầu về ý thức hệ giữa phương Đông và phương Tây. Giới tinh hoa Nga cho rằng, cái mà phương Tây lo sợ là chế độ chính trị cộng sản của quốc gia này. Họ cho rằng, sau khi đã giải tán Đảng Cộng sản, đã làm mọi thứ mà phương Tây mong muốn từ thay đổi cơ cấu kinh tế, xã hội, chính trị, tôn giáo, quân sự tới sửa lại toàn bộ lịch sử bằng cách quy mọi thứ xấu xa về cho chủ nghĩa cộng sản thì phương Tây sẽ mở rộng vòng tay đối với họ. Người Nga cho rằng những gì diễn ra với Nam Tư – các cuộc nội chiến, sự ủng hộ công khai của phương Tây với các quốc gia ly khai, các biện pháp toàn diện nhằm làm suy yếu Serbia – sẽ không diễn ra với nước Nga vì nước Nga có lực lượng quân sự mạnh, có vũ khí hạt nhân và dù không còn chiếm 1/6 diện tích đất liền trên trái đất (như thời Liên bang Xô Viết) thì họ vẫn là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nước Nga có tất cả các tiềm năng kinh tế, tài nguyên mà Nam Tư không có. Từ đó, ban lãnh đạo Nga cho rằng, chỉ cần mình không còn là nguồn đe dọa về quân sự, tư tưởng, chính trị đối với phương Tây nữa, thì kịch bản Nam Tư sẽ không thể xảy ra với họ.
Tuy nhiên những gì diễn ra ở Nam Tư cho Nga thấy rằng việc tan rã Liên bang Nam Tư mới chỉ là bước đầu tiên. Các nước mới tách ra khỏi liên bang Nam Tư đã có các chính sách phân biệt đối xử với người Serbia sống trên đất của họ. Khi tất cả các đối thoại về quyền của nhóm dân tộc thiểu số này (người Serbia) không được giải quyết và dẫn tới bạo lực thì phương Tây sẽ nhắm vào Serbia, quốc gia đang cố gắng bảo vệ đồng bào của mình và lờ đi những gì xảy ra với người Serbia thiểu số ở ngoài Serbia. Người Nga nhận ra rằng, cũng như ở Nam Tư, ở Liên Xô, phương Tây coi phong trào đòi độc lập ở 3 nước vùng Baltic là một phong trào đòi quyền dân tộc; sau đó ở Nga thì phương Tây cũng luôn lên tiếng về các vấn đề quyền dân tộc với người Chechen hay các nhóm dân tộc có ý định ly khai khác. Tuy nhiên, với các phong trào đòi quyền dân tộc (tiếng nói, chữ viết, giáo dục, văn hóa...) của người Nga ở các nước cộng hòa cũ của Liên Xô thì phương Tây sẽ gắn cho cái mác là dân tộc chủ nghĩa, ly khai hay thậm chí là khủng bố.
Khi cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất nổ ra, người Mỹ đã không hề hỗ trợ Yeltsin trong việc trấn áp các lực lượng ly khai. Hơn thế nữa, không chỉ lôi kéo các quốc gia hậu Liên Xô về phía mình, Mỹ đã ngấm ngầm khuyến khích các quốc gia này trở thành căn cứ hỗ trợ cho phe ly khai Chechnya (như trường hợp Georgia với việc lờ đi rằng thung lũng Pankisi trên lãnh thổ nước này đã trở thành căn cứ để tập hợp vũ khí, hậu cần và tập hợp các lực lượng Hồi giáo cực đoan quốc tế để xâm nhập vào Chechnya). Việc Kosovo tuyên bố độc lập và chiến dịch ném bom dữ dội của NATO vào Nam Tư cũng cho Nga thấy rõ rằng, dù rằng hiến chương của NATO nói rằng tổ chức này là một tổ chức tự vệ tập thể và chỉ bảo vệ các nước thành viên hiệp ước nhưng việc ném bom Serbia cho thấy họ đã trở thành công cụ chiến tranh tấn công một bên thứ ba ở ngoài lãnh thổ NATO khi mà bên đó không hề tấn công bất cứ thành viên nào của tổ chức này.
Người Nga cũng nhận thấy rằng, sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu ở Kosovo (KFOR) không hề khách quan mà chủ yếu nhằm vào kiểm soát người Serbia. Có lẽ điều này đã khiến cho Nga không ngạc nhiên khi hệ thống camera theo dõi, giám sát do lực lượng giám sát ngừng bắn của OSCE triển khai tại hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk được nối với hệ thống của tổng cục tình báo Ukraine (trong khi đó hai nước này lại không được tiếp cận với hệ thống camera giám sát phần lãnh thổ Ukraine tiếp giáp).
Nga cũng nhận thấy rằng nếu áp dụng công thức Kosovo thì bất kể một vùng lãnh thổ của một quốc gia nào cũng có thể được tách ra và tuyên bố độc lập. Công thức đó là: (i) gây mâu thuẫn dân tộc tới mức đổ máu, (ii) tiến hành các chiến dịch quân sự của NATO buộc quốc gia có vùng ly khai phải chấp nhận sự có mặt của “lực lượng gìn giữ hòa bình” do NATO dẫn đầu, (iii) một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức dưới sự giám sát không khách quan của lực lượng gìn giữ hòa bình, (iv) vùng ly khai tuyên bố độc lập, (v) đưa vấn đề ra tòa án công lý quốc tế của Liên Hợp Quốc để xem xét tính hợp pháp của tuyên bố độc lập, (vi) tòa án công lý quốc tế sẽ tuyên bố tuyên bố độc lập không trái với luật pháp quốc tế (chứ không xem xét vấn đề có trái hiến pháp nước sở tại không) với lý do là “không có quy định nào của luật pháp quốc về cấm tuyên bố độc lập.”
Việc tòa án hình sự quốc tế của Liên Hợp Quốc truy tố các lãnh đạo Serbia vào năm 1999 (và sau đó dẫn độ tổng thống Milosevic năm 2001) khiến tổng thống Yeltsin thấy rằng phương Tây sẽ không chỉ dừng lại ở việc làm sụp đổ, chia cắt một quốc gia mà họ sẽ nhắm tới việc hủy diệt các nhà lãnh đạo của các quốc gia đó nếu như trái ý họ. Bản thân Yeltsin, với tư cách là tổng thống, đã có nhiều hành động tương tự như tổng thống Milosevic để bảo vệ quyền lợi của nước Nga và người Nga ở các nước cộng hòa cũ của Liên Xô. Xin lưu ý rằng chính Yeltsin là người đã làm mọi cách để có thể giữ được các tiềm năng quân sự quan trọng nhất của Nga sau này khi Liên Xô sụp đổ. Đó là toàn bộ số vũ khí hạt nhân, toàn bộ các máy bay ném bom chiến lược, phần lớn nhất của hạm đội Biển Đen, việc giữ được căn cứ Sevastopol trên đất Ukraine, toàn bộ hệ thống vệ tinh và cơ sở hạ tầng và thiết bị vũ trụ, vệ tinh. Chính Yeltsin, trong thời gian là tổng thống, đã ra lệnh triển khai các lực lượng quân đội Nga ở các vùng có người Nga với mâu thuẫn dân tộc tới mức xung đột quân sự tại Transnistria (Moldova), Abkharzia và Nam Ossetia (Georgia). Chính nhờ các lực lượng gìn giữ hòa bình mà Yeltsin cử tới, các căn cứ quân sự mà Yeltsin giữ được (đặc biệt là Sevastopol) bất chấp sự phản đối của phương Tây thì Putin sau này mới có thể sử dụng làm bàn đạp để kiềm chế các quốc gia liên quan hoặc là để tiến hành sáp nhập lãnh thổ vào Nga (như trường hợp Crimea).
Vào nhiệm kỳ thứ 2 của mình, Yeltsin nhận thức rõ rằng cái mà phương Tây thực sự nhắm tới để làm suy yếu, ngăn chặn không phải là tư tưởng cộng sản mà là một nước Nga hùng mạnh. Điều đó có nghĩa là các hành động của phương Tây sẽ không dừng lại sau khi Liên Xô đã tan rã và Đảng Cộng sản Liên Xô không còn tồn tại. Nó sẽ chỉ dừng lại cho tới khi nước Nga không còn tiềm năng để trỗi dậy. Nói một cách khác, chừng nào nước Nga còn là một con gấu trong rừng taiga (bất kể nó có màu trắng của gấu Bắc Cực, màu nâu hay màu khoang như của gấu trúc) thì phương Tây sẽ còn làm mọi cách để biến nó thành một con chó cảnh. Phương Tây nhắm tới nó vì nó là gấu chứ không phải vì nó có màu gì.
Khi nhận ra điều đó, Yeltsin hiểu rằng, cho dù ông có thể thân thiện đến mấy với phương Tây, chừng nào ông còn là một tổng thống Nga mong muốn một nước Nga hùng mạnh thì ông sẽ còn là một “Milosevic” tiềm năng đối với họ. Yeltsin cũng nhận ra rằng, hệ thống chính trị và các doanh nghiệp thân hữu mà ông tạo ra đã bị chịu sự chi phối quá nhiều của phương Tây. Hơn nữa, bản thân sức khỏe của Yeltsin cũng không cho phép ông có thể tạo ra một cuộc thay đổi cho nước Nga. Khi nhận thấy tất cả các điều đó, ông bắt đầu tìm kiếm một người để thay mình. Cuối cùng, sau nhiều lần thử, ông tìm ra một nhân vật vốn là học trò và trợ lý thân tín nhất của kẻ thù chính trị cũ của mình, Anatoly Sobchak. Người đó cho tới lúc đó hầu như không ai biết tới với cái tên là Vladimir Putin. Vào đêm giao thừa 31/12/1999, 6 tháng trước khi hết nhiệm kỳ tổng thống, Yeltsin đã tuyên bố từ nhiệm trong diễn văn chúc mừng năm mới. Trong diễn văn ông nói:
“Tôi xin các bạn tha thứ vì đã không thực hiện được niềm hy vọng của những người đặt vào tôi khi tôi nói rằng chúng ta sẽ có một bước nhảy vọt từ một quá khứ độc tài trì trệ, tăm tối tới một tương lai văn minh, sáng lạn và thịnh vượng.... Chúng ta đã không làm được điều đó. Tôi đã quá ngây thơ trong nhiều chuyện và có nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ.... Chúng ta đã cố gắng tiến lên vượt qua các sai lầm và thất bại... Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể. Tôi không từ nhiệm vì lý do sức khỏe mà vì rất nhiều lý do. Một thế hệ mới sẽ thay thế tôi, một thế hệ những con người có thể làm nhiều và tốt hơn tôi...”.
Khi ôm hôn chia tay Putin, Yeltsin nói với ông rằng “Hãy chăm lo cho nước Nga!”. Người mà ông lựa chọn, Putin, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức và trong ngày đầu tiên của năm mới đã bay tới Chechnya để thể hiện quyết tâm thực hiện đến cùng một cuộc chiến không khoan nhượng với chủ nghĩa ly khai - cuộc chiến mà sau này người ta gọi là Cuộc chiến Chechnya lần Hai.
3.2 Lịch sử từ hai góc nhìn khác nhau
Cho tới nay, chúng ta hay được nghe về giai đoạn sụp đổ của Liên bang Xô Viết và sự trỗi dậy của nước Nga đơn giản như sau. Gorbachev đã đẩy Liên Xô tới khủng hoảng. Phái cứng rắn trong đảng Cộng sản Liên Xô đã cố gắng lật ngược tình thế bằng một nỗ lực đảo chính năm 1991. Yeltsin đã thành công trong việc kêu gọi người dân bảo vệ phong trào dân chủ. Gorbachev với tư cách là Tổng thống Liên Xô đã giải tán đảng Cộng sản Liên Xô vì nỗ lực đảo chính. Tổng thống 4 nước cộng hòa lớn đã ký một thỏa thuận mới về cộng đồng các quốc gia độc lập và vì thế khiến cho sự tồn tại của Liên Xô là vô nghĩa. Gorbachev từ chức, Liên Xô chấm dứt tồn tại. Yeltsin nắm quyền ở nước Nga và trong 10 năm liền nước Nga rơi vào khủng hoảng cùng với đầy rẫy các scandal của Yeltsin về sự nát rượu của ông. Putin được Yeltsin đặt lên làm tổng thống để bảo vệ mình sau khi về hưu (sắc lệnh đầu tiên mà Putin ký là sắc lệnh miễn trừ mọi trách nhiệm đối với Yeltsin). Khi đã thắng cử chính thức chức vụ tổng thống, Putin bắt đầu đàn áp các thế lực thân Yeltsin. Sau đó, ông dùng tiền bạc thu được từ các thế lực này để củng cố quyền lực của mình và mua chuộc quần chúng. Sau đó, Putin đàn áp phe đối lập và tiêu diệt tự do báo chí, lập ra một chế độ độc tài. Khi đã nắm quyền tuyệt đối thì Putin bắt đầu trở nên hiếu chiến với cộng đồng quốc tế để tái lập lại Liên bang Xô Viết. Sau khi thành công ở các hoạt động nhỏ thách thức cộng đồng quốc tế như ám sát các chính trị gia đối lập, các điệp viên người Nga chạy trốn sang phương Tây, Putin đã nâng cấp mức độ gây hấn lên tới xung đột vũ trang với Georgia, sáp nhập Crimea và cuối cùng là quá ảo tưởng về sức mạnh của mình, ông ta gây ra cuộc chiến ở Ukraine. Ông ta làm như vậy vì hệ thống của ông ta hoàn toàn mục ruỗng vì tham nhũng và luôn báo cáo cho ông ta không phải là sự thật mà là những gì ông ta muốn nghe. Nếu tin vào tất cả những điều trên, bạn sẽ tin rằng sự sụp đổ của Putin và nước Nga đã gần kề. Tuy nhiên, nếu nhìn theo phiên bản này, các bạn sẽ có rất nhiều sự kiện đã và đang diễn ra hoàn toàn không thể giải thích được.
Tuy nhiên nếu bạn nhìn lịch sử theo một khía cạnh khác, bạn sẽ thấy bức tranh hoàn toàn thay đổi.
Ngay sau khi cuộc đảo chính của phe cứng rắn trong đảng Cộng sản LX thất bại, vào tháng 11/1991, một người được tổng thống Gorbachev, dưới sức ép của Boris Yeltsin, bổ nhiệm vào vị trí đầy quyền lực lúc đó là Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB). Ông tên là Yevgeny Primakov và trước đó là chủ tịch Hội đồng Liên bang Xô Viết Tối cao Liên Xô. Primakov đã tổ chức thực hiện một việc rất khó là giải thể về mặt hình thức hệ thống KGB và chuyển giao toàn bộ bộ máy của tổ chức này về Liên bang Nga. Sau khi việc chuyển giao được hoàn thành, trong tổ chức của Liên bang Nga, KGB về cơ bản bị tách ra làm ba phần phần: Cục Tình báo Đối ngoại, Cục Phản gián và các chức năng an ninh đối nội thì bị đưa về Bộ Nội vụ. Primakov trở thành Giám đốc của Cục Tình báo Đối ngoại. Cục Phản gián sau này được tổ chức lại thành Cục An ninh Liên bang với Putin sẽ làm giám đốc trong thời gian 1998-1999.
Ở phần dưới đây, chúng ta sẽ thấy sự trỗi dậy của nước Nga ngày nay là kết quả của mối quan hệ phức tạp giữa ba con người mà rất nhiều người nghĩ rằng hoàn toàn không chung một ý chí: Boris Yeltsin, Yevgeny Primakov và Vladimir Putin. Muốn hiểu được sự trỗi dậy của nước Nga thì chúng ta không thể không biết về Primakov.
3.2.1 Yevgeny Primakov và học thuyết của ông
Primakov là một người Do Thái tính theo mẹ ông (mẹ Primakov là người Do Thái và vì thế, theo cách tính của người Do Thái, ông là một thành viên của dân tộc này). Primakov sinh ra tại Kiev năm 1929 và có bố từng bị đi cải tạo trong trại tập trung Gulag do bị thanh trừng dưới thời Stalin. Ông lớn lên tại Tbilisi, thủ đô của Gruzia (Georgia ngày nay). Mặc dù có bố từng bị đi cải tạo nhưng ở tuổi 27, Primakov đã là phóng viên của báo Pravda (Báo Sự thật), cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Liên Xô (tương tự như Báo Nhân dân ở Việt Nam). Vì thành thạo tiếng Arab, ông đã được cử sang Trung Đông làm đại diện cho báo Pravda và Đài phát thanh toàn liên bang Xô Viết (tương tự như Đài Tiếng nói Việt Nam) ở khu vực này.
Chúng ta không biết Primakov đã gia nhập lực lượng tình báo của KGB vào lúc nào nhưng đến giờ chúng ta biết là trong suốt 14 năm hoạt động tại Trung Đông từ năm 1956 tới 1970, ông là một cán bộ tình báo của KGB. Điểm đáng lưu ý là, chính trong khoảng thời gian này Liên bang Xô Viết đã tạo lập được mối quan hệ chiến lược với Ai Cập và Syria. Hai quốc gia này có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Liên Xô vì thông qua Ai Cập, Liên Xô có thể khống chế kênh đào Suez, kênh vận tải huyết mạch sống còn đối với châu Âu. Qua Syria, Liên Xô có thể tác động tới các quốc gia có trữ lượng giàu mỏ lớn ở Trung Đông là Iraq và Iran, kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ (tiền đồn phía Nam của khối NATO) và Israel, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông.
Tuy rằng các cuộc chiến tranh giữa một bên là Ai Cập, Syria và một bên là Israel, đồng minh của Mỹ, là các thất bại về quân sự đối với Bộ quốc phòng Liên Xô (cơ quan đã cung cấp vũ khí, tổ chức và huấn luyện cho quân đội hai quốc gia trên) nhưng đối với KGB thì việc Liên Xô, trong một thời gian ngắn, đã đi từ chỗ chưa bao giờ có mối quan hệ với khu vực này tới việc có được hai đồng minh quan trọng, có căn cứ quân sự và trở thành người có tiếng nói quan trọng đối với tình hình chính trị khu vực – là một thành công chưa từng có. Nước Nga trước thời Liên Xô, trong lịch sử 1000 năm của mình, hoàn toàn không có bất kỳ quan hệ hay ảnh hưởng nào tới khu vực này.
Chúng ta không biết Primakov đã làm gì ở Trung Đông giai đoạn này nhưng vào năm 1974 (4 năm sau khi ông rời khỏi Trung Đông về nước), ông được Ai Cập trao giải thưởng mang tên cố tổng thống Nasser, một giải thưởng cao quý nhất của nước này cho các nhân vật dân sự cả trong và ngoài nước. Chúng ta biết rằng trong giai đoạn 1950 tới 1975 là giai đoạn mà các lực lượng tình báo Liên Xô và Mỹ, Anh và Pháp đối đầu nhau khốc liệt nhất để tranh giành ảnh hưởng tại khu vực cung cấp dầu khí lớn nhất cho toàn thế giới này. Do đó, đối thủ của Primakov tại đây chính là các quốc gia nòng cốt của khối NATO.
Vào năm 1963, cả Liên Xô và Mỹ nhận thấy rằng cả thế giới đã kề cận sát một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các tài liệu được công bố sau khi Liên Xô sụp đổ cho thấy vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, các tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân của Liên Xô đã được lệnh ém dưới đáy biển sát nước Mỹ và chỉ nhận tín hiệu một chiều từ Moscow (để không bị người Mỹ phát hiện do tàu truyền tin về Liên Xô). Tín hiệu một chiều đó từ Liên Xô sẽ được phát định kỳ. Nếu như các tàu ngầm nhận được một mệnh lệnh tấn công hạt nhân rõ ràng thì tàu sẽ tiến hành bắn tên lửa hạt nhân vào Mỹ theo kế hoạch định trước. Nếu không nhận được một mệnh lệnh rõ ràng và tín hiệu định kỳ từ Moscow không còn thì tàu phải coi trường hợp đó là Liên bang Xô Viết đã bị tiêu diệt bởi một cuộc tấn công vũ khí hạt nhân và lúc đó họ sẽ tiến hành bắn tên lửa vào Mỹ mà không đợi một mệnh lệnh cụ thể nữa. Điều làm cho tất cả các bên toát mồ hôi là trường hợp một tàu ngầm của Nga đã không nhận được tín hiệu thường xuyên của Moscow. Theo quy định, họ sẽ phải hành động theo điều lệnh là sau một thời gian không nhận được tín hiệu báo an toàn của Moscow, họ sẽ phải tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, thuyền trưởng tàu ngầm đã nghi ngờ rằng hiết bị nhận tín hiệu của tàu có vấn đề nên đã không ra lệnh tấn công mà quyết định nổi lên mặt biển và để lộ vị trí tàu cho hải quân Mỹ để kiểm tra tín hiệu. Khi nổi lên khỏi mặt nước, họ phát hiện ra là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã chấm dứt từ 2 tuần trước đó và ăng ten nhận tín hiệu dưới nước của tàu thực sự có vấn đề nên họ đã không nhận được lệnh cho phép rút quân của Moscow.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, việc phối hợp giữa Liên Xô và Mỹ trong việc ép tất cả các bên Ai Cập, Israel, và cả Anh và Pháp buộc phải chấm dứt cuộc chiến tranh 6 ngày vào năm 1973 khiến cho Mỹ và Liên Xô thấy rằng cần phải có một kênh đối thoại thường xuyên, có vai trò trên danh nghĩa là không chính thức nhưng lại phải phản ánh sát quan điểm của hai chính phủ để trao đổi các vấn đề quan trọng nhất giữa hai bên nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh Lạnh biến thành một cuộc chiến tranh nóng. Kênh trao đổi được hai bên lựa chọn là các cuộc hội thảo Dartmouth. Đây là các cuộc hội thảo thường kỳ giữa một số nhà khoa học xã hội không thuộc các cơ quan chính phủ của Mỹ và Liên Xô được tổ chức hàng năm. Điều đặc biệt của các cuộc hội thảo này là nhân sự tham gia chính của hai bên gần như không thay đổi và các nội dung trao đổi thực sự giữa hai bên lại không được công khai. Đoàn đại biểu tham dự của cả hai bên đều có quan hệ mật thiết với chính quyền và thậm chí, việc cung cấp các quan điểm ngầm của chính phủ mỗi bên cho đoàn tham dự hội thảo trở thành một thủ tục đương nhiên.
Người đứng đầu phía Liên Xô là nhân vật của chúng ta, Yevgeny Primakov. Sau khi trở về từ Trung Đông, Primakov trở thành phó giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới. Sau này ông kiêm thêm chức vụ phó giám đốc của Ủy ban Hòa bình Quốc tế Liên Xô. Cả hai cơ quan này đều được Liên Xô sử dụng như các kênh ngoại giao phi chính thức để làm việc với Mỹ (trường hợp Viện nghiên cứu) và với phầ1n còn lại của thế giới (trường hợp Ủy ban Hòa bình).
Mặc dù là phó giám đốc thường trực của cả hai tổ chức trên nhưng Primakov lại gần như không tham gia vào công việc điều hành của hai tổ chức này trong giai đoạn chiến tranh lạnh. Do đó, có quan điểm cho rằng tới lúc đó, ông thực ra là một quan chức cao cấp của KGB và các chức vụ trên chỉ là vỏ bọc để ông đại diện cho nhà nước Liên Xô một cách không chính thức trong các cuộc mặc cả ngầm của thời kỳ chiến tranh lạnh. Vì các hoạt động này, ông đã được huân chương Lenin, huân chương cao quý nhất trao cho các cá nhân dân sự ở Liên bang Xô Viết.
Sau khi cuộc đảo chính 1991 (với việc chủ tịch KGB là phó chủ tịch của hội đồng đảo chính) thất bại thì cả Gorbachev lẫn Yeltsin đều nghĩ rằng cơ quan này phải được cải tổ triệt để để nó không thể trở thành một lực lượng đảo chính. Gorbachev bổ nhiệm tướng Leonid Sherbashin, người phụ trách tình báo đối ngoại của KGB lên làm chủ tịch mới. Tuy nhiên Sherbashin chỉ tại vị có đúng một ngày thì bị Gorbachev cắt chức vì Yeltsin phản đối nhân vật này. Tướng Vadim Bakatin, cựu bộ trưởng nội vụ được Gorbachev bổ nhiệm thay cho Sherbashin. Yeltsin chấp nhận bổ nhiệm này với điều kiện là Primakov được bổ nhiệm là phó chủ tịch thường trực của KGB (Yeltsin đề nghị điều đó bất chấp việc Primakov đã từng là một thành viên của hội đồng cố vấn của Gorbachev).
Trên thực tế, Primakov mới là người thực sự điều hành KGB và kế hoạch cải tổ nó. Trong thời gian tại vị ngắn ngủi chưa tới 2 tháng của mình, Bakatin chủ yếu giành thời gian để tạo lập các mối quan hệ chính trị với các thế lực ở trong lẫn ngoài nước. Để lấy lòng những người Mỹ, Bakatin, trên cương vị chủ tịch KGB, đã tiết lộ cho phía Mỹ các thiết bị nghe trộm mà phía Nga đã cài trong tòa nhà mà người Mỹ dự định sẽ dùng làm trụ sở đại sứ quán mới. Mặc dù điều này được Bakatin giải thích là để tạo lòng tin với đối tác Hoa Kỳ (để họ thấy rằng Nga thực sự không còn là kẻ thù của Mỹ) nhưng nhiều người coi đó là một hành động phản quốc vì trước khi là chủ tịch KGB, Bakatin là bộ trưởng nội vụ nên không thể ngây thơ như vậy. Sau khi là người về cuối cùng trong 6 ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 1996, Bakatin biết mất khỏi lịch sử.
Việc giải tán KGB và chuyển giao toàn bộ bộ máy, nhân sự từ cấp liên bang về cho nước Nga đã được Primakov hoàn thành xuất sắc. Không có một cuộc thanh trừng nào diễn ra trong nội bộ KGB. Toàn toàn thể các nhân viên và mạng lưới tình báo ở nước ngoài được tái cơ cấu lại trong khuôn khổ nhà nước Nga.
Để hiểu được ý nghĩa quan trọng đặc biệt của việc Primakov đã làm thì cần phải nhìn lại lịch sử của cơ quan an ninh Liên Xô. Trong lịch sử của cơ quan này, các cuộc thanh trừng chính trị trong chính quyền Liên Xô thường dẫn tới các thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tới cơ quan an ninh và tình báo. Khác với đa số các nước, ở Liên Xô, chức năng phản gián và tình báo được tập trung và một cơ quan là KGB (trong khi đó ở Mỹ thì FBI là cơ quan phụ trách phản gián còn CIA là cơ quan phụ trách tình báo và hai cơ quan này độc lập với nhau). Điều này khiến cho KGB (và tiền thân của nó là NKVD) có vai trò đặc biệt lớn trong cán cân quyền lực của đất nước. Các thay đổi lớn về đường lối trong đảng Cộng sản Liên Xô thường đi kèm với thanh trừng về mặt nhân sự. Và mỗi lần như vậy các nhân sự cao cấp của KGB sẽ bị thanh trừng và thay thế. Việc các nhân sự cao cấp này bị thanh trừng sẽ khiến cho hàng loạt cán bộ tình báo ở nước ngoài (bao gồm cả người của KGB lẫn tình báo viên người nước ngoài) sẽ đào tẩu sang phía kẻ thù hoặc tìm cách cắt mọi liên lạc và hoạt động.
Các cuộc thanh trừng của Stalin những năm 30 và thanh trừng sau khi Stalin chết trong thập niên 50 đã dẫn tới việc hệ thống tình báo của Liên Xô ở nước ngoài đổ vỡ nhiều mảng lớn và người mới lên nắm KGB phải mất một thời gian dài để khôi phục lại hệ thống. Primakov là người đầu tiên làm được việc cải tổ KGB về mặt bản chất (tách chức năng tình báo và phản gián ra 2 cơ quan độc lập), chuyển nó từ Liên bang Xô Viết về Liên bang Nga mà không bị xâu xé bởi các nước cộng hòa khác (như việc chia sẻ lực lượng quân đội Liên Xô). Cả Boris Yeltsin lẫn Vladimir Putin đều hiểu rất rõ ý nghĩa của việc này.
Đối với Yeltsin, Primakov là một người hội tụ rất nhiều thứ ông không có. Thứ nhất, đó là sự hiểu biết về tình hình chính trị kinh tế thế giới. Thứ hai, kinh nghiệm của một người đại diện của Liên Xô trong các cuộc đàm phán phi chính thức với các đối thủ nguy hiểm nhất và đối tác quan trọng nhất. Thứ ba, sự hiểu biết, khả năng quản lý hệ thống và con người của bộ máy đồ sộ KGB – trong đó đặc biệt là khả năng thuyết phục họ đi theo ông với bằng chứng là ông đã thành công trong việc giành được sự trung thành của KGB với Liên bang Nga sau khi Liên Xô tan rã. Thứ tư, và là điều quan trọng sống còn đối với Yeltsin, đó là Primakov hiểu rõ rằng việc tập trung quá nhiều quyền lực vào KGB đã khiến bộ máy này vừa kém hiệu quả trong việc đối phó với kẻ thù và các bất ổn nhưng lại trở thành mối đe dọa với sự tồn vong của chính quyền (khi tổ chức này tham gia đảo chính). Chính điều này đã khiến cho Primakov quyết định phân chia quyền lực của cơ quan an ninh của Liên bang Nga thành hai hai cơ quan độc lập, một phụ trách tình báo, một phụ trách an ninh.
Đối với Putin, Primakov đã làm được điều mà các lãnh đạo KGB đã không làm được vào năm 1989 – đó là duy trì được sự hoạt động của KGB chứ không bị tê liệt khi thảm họa xảy ra. Vào năm 1989, Putin là một thiếu tá tại trạm KGB tại thành phố Dresden, Đông Đức. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ những người biểu tình đã kéo tới đốt phá trụ sở cơ quan an ninh Đông Đức (Stassi) ở ngay đối diện trụ sở chi nhánh KGB của Putin. Lo sợ rằng trụ sở sẽ bị cướp phá và các tài liệu mật sẽ bị đám đông lấy mất, Putin đã yêu cầu bộ chỉ huy Hồng quân tại Dresden đưa quân tới bảo vệ. Bộ chỉ huy nói rằng Putin phải nói chuyện với bộ chỉ huy của quân đội Liên Xô tại Berlin. Khi Putin gọi thì họ nói rằng họ phải có lệnh từ Moscow. Tất nhiên là Putin không có quan hệ ở bộ quốc phòng tại Moscow nên ông gọi cho trụ sở chính của KGB – họ nói ông chờ một cuộc gọi lại với mệnh lệnh cần thiết. Tuy nhiên, không có ai gọi lại cả. “Moscow im lặng” đó là điều mà Putin kể lại sau này trong một cuộc phỏng vấn với ánh mắt lạnh như băng nhìn vào người phỏng vấn. Việc cả một bộ máy KGB cũng như ban lãnh đạo Liên Xô bị tê liệt trước các cuộc bạo động dân sự tại Đức đã khiến cho Putin thay đổi cách nhìn về hệ thống nhà nước. Ông nói với đại ý là bạn chiến đấu với ý nghĩ rằng lãnh đạo luôn đứng sau lưng bạn nhưng vào thời điểm nguy hiểm nhất, họ im lặng.
Vào năm 1989 đó, Putin đã chọn một cách giống như câu chuyện mở cổng thành lên lầu gẩy đàn mà La Quán Trung gán cho Gia Cát Lượng. Ông bước ra đối diện với những người biểu tình và nói với họ bằng tiếng Đức rằng đây là trụ sở của KGB chứ không phải Stassi và họ cần biết rằng trong trụ sở họ có Hồng quân và họ sẽ bắn tất cả những ai bước qua ngưỡng cửa mà không được phép. Những người biểu tình do dự rồi bỏ đi. Thực tế, bên trong trụ sở lúc đó chỉ có các nhân viên tình báo và không có binh lính nào cả. Với những gì đã trải qua đó, dưới con mắt của một cấp dưới đã trực tiếp đối diện với sự nguy hiểm chết người và bị cấp trên “bỏ rơi”, Putin đánh giá đặc biệt cao vai trò của Primakov khi ông vừa thay đổi được hệ thống nhưng vẫn bảo vệ được những con người trong đó.
Sự tin tưởng của Yeltsin lớn tới mức, ông đã đề nghị lựa chọn vị trí đứng đầu Cục Tình báo hoặc Cục Phản gián sau khi cải tổ KGB. Primakov đã chọn đứng đầu Cục Tình báo, mảng mà ông đã hoạt động suốt nhiều chục năm. Primakov nắm Cục Tình báo trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của Yeltsin từ năm 1991 tới 1995. Đây là một kỷ lục vì trong nhiệm kỳ đầu tiên, thời gian tại chức trung bình của những người lãnh đạo các cơ quan quyền lực quân sự, an ninh của Nga chỉ là 1 năm.
Khi Yeltsin trúng cử nhiệm kỳ 2, ông bổ nhiệm Primakov vào chức vụ bộ trưởng ngoại giao (trong thời gian từ 1996 tới 1998). Dưới thời Primakov làm bộ trưởng ngoại giao, Yeltsin để cho ông có một quyền tự quyết rất lớn khiến cho đôi khi phương Tây bị bối rối khi cảm giác rằng Nga có hai chính sách đối ngoại – một chính sách của Tổng thống và một chính sách của Bộ trưởng ngoại giao.
Ngay sau khi trở thành bộ trưởng ngoại giao, Primakov đã nêu quan điểm về vai trò của nước Nga ở nhiều nơi, trong nhiều dịp. Tổng hợp các quan điểm đó lại thì sẽ có mấy điểm như sau:
· Thứ nhất, nước Nga là một chủ thể không thể bỏ qua trên vũ đài chính trị thế giới và có một chính sách ngoại giao độc lập.
· Thứ hai, nước Nga cần theo đuổi việc hình thành một thế giới đa cực trong đó có một sự phối hợp/hợp tác chặt chẽ giữa các cường quốc sẽ được tạo ra để làm đối trọng với Hoa Kỳ.
· Thứ ba, nước Nga phải duy trì vai trò lãnh đạo trong không gian địa chính trị thuộc Liên Xô cũ.
· Thứ tư, nước Nga cần phải làm mọi việc có thể để ngăn chặn việc mở rộng của khối NATO sang phía Đông.
· Thứ năm, nước Nga phải cùng hội nhập cả hai không gian kinh tế chính trị lớn của thế giới là châu Âu và châu Á.
· Thứ sáu, nước Nga phải hướng tới xây dựng một mối quan hệ đối tác với Trung Quốc và Ấn Độ.
· Thứ bảy, nước Nga phải tạo lập lại được các quan hệ với các nước Trung Đông và có ảnh hưởng tại khu vực này.
Nếu các bạn nghe thấy các điều trên quen quen thì đó là chuyện dễ hiểu vì các quan điểm này được Putin và các lãnh đạo Nga lặp lại nhiều lần, ở nhiều nơi trong suốt 20 năm qua và được diễn giải, cụ thể hóa trong “Ý tưởng về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga” (“Ý Tưởng”) được ban hành ngày 31/3/2023. Nếu so sánh, chúng ta sẽ thấy các nội dung của Ý Tưởng năm 2023 về cơ bản là sự diễn giải các quan điểm của Primakov với các điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện tại.
Vào năm 2014, trong dịp kỷ niệm sinh nhật của Primakov (và là lễ kỷ niệm sinh nhật cuối cùng của ông) ngoại trưởng Nga Lavrov đã cảm ơn ông về tất cả những gì ông đã làm và gọi các quan điểm của ông “Học thuyết Primakov”.
Với tư cách là bộ trưởng ngoại giao, Primakov đã tiếp xúc nhiều lần với các quan chức Hoa Kỳ để thể hiện sự phản đối của Nga đối với việc mở rộng sang phía Đông. Vào đầu 1997, ông gặp một thượng nghị sỹ đại diện bang Delaware và là thành viên của hội đồng đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ. Ngày 20/6/1997, vị thượng nghị sỹ này kể lại câu chuyện này trong một cuộc họp báo. Trước hết, ông nói rằng ông hiểu tại sao người Nga lại lo lắng về việc NATO mở rộng về phía Đông. Tuy nhiên ông nói rằng “nếu các bạn [những người dự họp báo] ở vào địa vị của tôi thì các bạn cũng sẽ có cùng quan điểm với tôi. [Đó là, dù lo ngại thế, nhưng] ‘Họ có thể đi đâu [để có được sự hỗ trợ]?’. Tôi có một cuộc hội thoại rất thú vị với [không rõ tên] về việc họ [người Nga] nói rằng họ không muốn NATO mở rộng, họ không cảm thấy an toàn, vân vân và vân vân... và [họ nói rằng] nếu các ông làm như vậy [mở rộng NATO] thì chúng tôi sẽ phải tìm cách hợp tác với Trung Quốc. Và tôi không thể kiềm chế được việc thể hiện quan điểm của bang [mà tôi đại diện] về vấn đề thế giới bằng cách nói rằng ‘chúc may mắn! Và nếu cách đó mà không có hiệu quả thì hãy thử với Iran’”. Tất cả mọi người trong khán phòng đã cười to vì sự hài hước của câu chuyện. Tuy nhiên, dù hài hước, nhưng câu chuyện trên sẽ không đáng để chúng ta phải viết đầy đủ nếu như thượng nghị sỹ đó không phải là Joe Biden, đương kim tổng thống Mỹ ngày nay.
Như vậy, chúng ta đã thấy rằng, tất cả những vấn đề mà nước Nga phải đối diện, cách nhìn nhận về vai trò của nước Nga khi quay trở lại vũ đài chính trị thế giới mà Putin nói trong suốt thời gian từ năm 2000 tới nay không có gì khác nhiều với những gì mà Primakov đã vạch ra từ năm 1996. Nói một cách khác, Putin, với tư cách là tổng thống Nga, chỉ lặp lại những gì mà Primakov đã đề ra với tư cách là bộ trưởng ngoại giao từ trước khi Putin được mọi người biết đến.
Tuy nhiên, nếu ở đây bạn cho rằng Putin chỉ đơn thuần là đã ăn trộm ý tưởng của Primakov và biến nó thành của mình thì bạn đã lầm. Chúng ta cần phải nhìn tiếp vào các sự kiện sau đó thì hiểu được nguồn gốc hình thành của chính sách đối ngoại của Nga.
Vào tháng 9/1998, lần đầu tiên Putin xuất hiện trên chính trường nước Nga với tư cách là giám đốc FSB. Chỉ hơn 1 năm sau ông trở thành tổng thống nước Nga và từ đó tới nay tác động tới mọi sự kiện quan trọng trên thế giới và sẽ tạo ra những thay đổi mà chủ tịch Tập Cận Bình nói là chưa từng có và sẽ tác động tới thế giới trong 100 năm tới. Để hiểu được sự quay lại của nước Nga, chúng ta cần phải biết được những ai đã đưa Putin lên vị trí tổng thống Nga, những người đã giúp ông đề ra chính sách và thực hiện nó để thay đổi nước Nga và tạo cho nó sức mạnh như ngày nay. Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ bàn về những người đã đưa ông lên vị trí Tổng thống Nga.
3.2.2 Con đường trở thành tổng thống của Putin:
Chúng ta sẽ quay lại giai đoạn lịch sử 1998-2000 và 5 nhân vật: Primakov, Yeltsin, Skuratov, Sergei Stepashin, Luzhkov và Putin. Vào ngày 1/1/2000, 3 trên 5 nhân vật đã rút khỏi chính trường Nga. Skuratov sẽ biến mất và gần như không ai biết ông ta là ai. Primakov sẽ được nhớ lại như một nhân vật mờ nhạt được dùng tạm trong giai đoạn Yeltsin tìm người kế vị. Stepashin sẽ sát cánh với Putin trên cương vị Tổng Kiểm toán Nhà nước của Nga tới tận khi ông nghỉ hưu. Còn Putin thì sẽ được cả thế giới sau này nhớ và phân tích từng nét mặt, cử chỉ, lời nói của ông. Tuy nhiên, vào đầu năm 1998, bức tranh hoàn toàn ngược lại, Putin mới là người mà không ai biết là ai.
Nếu hiểu các sự kiện trong giai đoạn này, và thấy được các bước giúp Putin từ trong bóng tối bước ra ánh sáng thì chúng ta sẽ thấy một bức tranh hoàn toàn khác về nước Nga hiện nay. Tôi cũng nói trước là ở giai đoạn này, mỗi một bước thăng tiến của Putin, nếu xâu chuỗi lại, cũng đều có thể có hai cách diễn giải về con người ông: hoặc là một kẻ tham nhũng số một với mọi thủ đoạn ranh ma, hoặc là một con người có những đức tính yêu nước, thông minh, cương quyết, lạnh lùng, thậm chí là tàn bạo để đưa nước Nga ra khỏi sự hỗn loạn chưa từng có. Chúng ta sẽ xem xét cả 2 quan điểm này về Putin.
Chúng ta hãy nhớ lại là vào năm 1997, người sau này là tổng thống Biden đã hài hước chúc Primakov có được kết quả khả quan trong việc liên kết với Trung Quốc để làm đối trọng với Mỹ và khuyên ông là nếu khó quá thì có thể đi với Iran.
Vào tháng 2/1998, cuộc chiến Kosovo nổ ra. Những người Albanian sống tại tỉnh Kosovo đòi độc lập khỏi Serbia và các cuộc đụng độ quân sự đã nổ ra giữa những người ly khai và quân đội Liên bang Nam Tư (lúc này chỉ còn Serbia và Montenegro). Tháng 3/1998, NATO bắt đầu tiến hành ném bom vào toàn bộ các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của Nam Tư. Primakov và ban lãnh đạo Nga thấy rằng không chỉ lời hứa “không tiến về phía Đông dù chỉ là một inch” của ngoại trưởng James Baker không hề được tôn trọng mà giờ đây NATO đã tiến hành các hoạt động vũ trang ngoài lãnh thổ của khối này nhằm chống lại một quốc gia không hề có xung đột với thành viên của khối mà không cần có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trước khi NATO tấn công, Primakov đã nỗ lực hết sức để vấn đề được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, khi đang bay trên Đại Tây Dương trên đường tới Mỹ để đàm phán về vấn đề Kosovo thì ông nghe tin NATO đã ném bom. Điều này cho thấy các hoạt động chuẩn bị quân sự của NATO đã được tiến hành từ lâu và toàn bộ các hoạt động ngoại giao của Mỹ với Nga nhằm giải quyết vấn đề một cách hòa bình chỉ là một hoạt động nghi binh nhằm ru ngủ cả Nam Tư và Nga. Vì vậy ông đã ra lệnh cho máy bay quay lại Nga mà không thèm quan tâm tới cuộc hẹn đã lên lịch với phía Mỹ cũng như xin phép tổng thống Yeltsin. Hành động đó trở thành một điển tích trong làng ngoại giao và được gọi là “Cú quay đầu của Primakov”.
Trước đó, vào tháng 3/1997, Yeltsin đã chọn một người vô danh đối với chính trường thủ đô Moscow là Putin làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống. Là cấp phó đắc lực nhất của Anatoly Sobchack, cựu thị trưởng St. Petersburg, và từng là đối thủ tiềm năng nhất đối đầu với Yeltsin, nhưng Putin không liên quan tới các hoạt động chính trị mà được Sobchack sử dụng vào các hoạt động ngoại thương của thành phố. Với kinh nghiệm của một sỹ quan tình báo chuyên về thu thập, đánh cắp và mua các công nghệ của phương Tây khi đóng quân ở Đức, Putin hiểu rõ cách thức vận hành của hoạt động thương mại quốc tế cũng như xử lý các dòng tiền liên quan mà không để lại dấu vết. Trong khi nước Nga rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế các doanh nghiệp sản xuất phá sản hàng loạt và đất nước thì không có ngoại tệ để mua hàng hóa từ phương Tây thì tình hình ở St. Petersburg lại đỡ hơn các địa phương khác. Điều này là do Putin đã thiết lập nên một cơ chế thương mại hàng đổi hàng để có thể đổi các nguyên liệu cơ bản lấy hàng hóa tiêu dùng. Vì thế cuộc sống của St Petersburg lúc đó khá hơn các nơi khác và Sobchack có một sự hậu thuẫn chính trị mạnh ở đây để nhắm tới ghế tổng thống. Nhân tiện, tôi muốn các bạn lưu ý ở đây là việc lách qua các biện pháp cấm vận sau này hay việc mua được các con chip, công nghệ làm chip không phải là điều xa lạ với Putin. Ông đã làm việc đó khi còn trẻ với tư cách một thiếu tá KGB, và sau đó là một phó thị trưởng St Petersburg.
Sau khi Sobchack bị thất cử về tay Vladimir Yakovlev (phó thị trưởng của chính ông và là bạn với Putin do người dân St. Petersburg bất mãn với việc ông dùng tiền của ngân sách thành phố tới mức kiệt quệ để tổ chức các hoạt động của liên bang nhằm tạo uy tín cho tham vọng tranh cử tổng thống của mình) thì Putin thà chịu thất nghiệp chứ không hợp tác với người kế nhiệm. Chính sự trung thành này của Putin đã được Yeltsin để ý khi Anatoly Chubais (người cùng làm phó thị trưởng với Putin ở St Petersburg và vào thời điểm đó (1997) là Chủ nhiệm văn phòng tổng thống) giới thiệu Putin. Trong khi Putin không phải là một đối tượng nguy hiểm đối với Yeltsin (vì ông không hề tham gia vào các cuộc đấu đá chính trị trong nước với Sobchack) thì khả năng tổ chức một hệ thống thương mại và quản lý dòng tiền của ông (vâng, có thể với nhiều bạn thần tượng Putin như là một nhà chính trị, quân sự xuất sắc có thể hơi thất vọng nhưng có một thực tế là Putin hiểu rất vững về kinh tế, thương mại và kế toán – những thứ có vẻ không hợp với một Putin “đại đế” mà người ta hay gọi ông sau này). Cái Yeltsin cần ở Putin là việc ông có thể thiết lập nên một hệ thống thương mại tương tự ở quy mô toàn quốc để giải quyết vấn đề thiếu hụt hàng hóa của Nga lúc đó.
Một số người nói thẳng ra rằng Yeltsin dùng Putin để thiết kế nên một hệ thống để chuyển các khoản tiền tham nhũng của Tổng thống ra nước ngoài và tẩy sạch số tiền đó – một thứ rất phù hợp với các hoạt động tình báo của Putin trước đó. Những người theo quan điểm này cho rằng nếu như muốn tạo ra một hệ thống thương mại hàng đổi hàng thì Putin cần phải vào làm việc trong chính phủ chứ không phải trong phủ tổng thống. Những lập luận này sẽ được sử dụng để nói rằng Putin thực ra chỉ là một kẻ tham nhũng có tài năng và thành công ngay bước đường đầu tiên của ông vào chính trường Nga chính là vì tài năng liên quan tới hợp pháp hóa tài sản tham nhũng.
Quan điểm ngược lại về Putin thì cho rằng việc Yeltsin đặt Putin vào chức vụ Phó Văn phòng Tổng thống phụ trách về nhà nước tại các doanh nghiệp là một quyết định duy nhất đúng để tránh cho ông bị các thế lực chính trị ở thủ đô cô lập. Lý do của việc này như sau. Putin có hai thành phần xuất thân mà lúc bấy giờ là trở ngại lớn nhất cho bất kỳ ai muốn thăng tiến trong chính trị tại Nga: (i) ông từng là đảng viên cộng sản, cựu thiếu tá KGB – lực lượng chính đã tham gia vào cuộc đảo chính năm 1991, và (ii) ông tới từ Leningrad và là trợ lý đắc lực của Sobchack.
Việc mâu thuẫn giữa các nhóm tinh hoa St. Petersburg và Moscow không phải là mới gì ở nước Nga và có thể truy ngược tới tận thời các Sa hoàng. Khi Stalin đấu tranh để củng cố quyền lực sau khi Lenin chết thì đảng bộ Leningrad là đảng bộ chịu sự thanh trừng đầu tiên. Sự ngầm ganh ghét nhau giữa Leningrad và Moscow lan cả ngoài giới chính trị và khá phổ biến trong cả trong các giới trí thức, doanh nhân. Tiếp đó, Sobchack là kẻ thù mà Yeltsin phải vất vả nhất để đối phó trước khi ông này bị hạ bệ và Putin vừa là học trò lại vừa là trợ thủ đắc lực của Sobchack. Chính bản thân Chubais, người giới thiệu Putin, cũng bị phái Moscow cô lập tới mức phải từ chức phó thủ tướng phụ trách kinh tế dù ông đã thành công trong việc ổn định lại kinh tế Nga vào năm 1995. Do đó, phái ủng hộ Putin cho rằng, nếu Yeltsin vứt Putin vào chính quyền (bị chi phối bởi nhóm tinh hoa Moscow) thì Putin sẽ bị cô lập và sớm hay muộn, hoặc Putin sẽ bị sa thải, hoặc ông sẽ từ chức. Hơn thế nữa, Yeltsin cần phải giữ Putin ở gần để có thể hiểu con người ông vì khi gặp Putin, ông có nói với Yeltsin rằng tuy phục vụ Yeltsin nhưng ông sẽ không làm gì hại tới Sobchack.
Vào tháng 11/1997 (9 tháng sau khi Putin trở thành phó văn phòng Tổng thống) Sobchack đã rời khỏi Nga để tới Pháp mà trong passport của ông không hề có dấu xuất cảnh ở Nga. Yeltsin được báo là chính Putin đã dùng quyền lực của mình để thu xếp cho thầy của mình trốn khỏi nước Nga sau khi người phó của ông, Yakovlev, nay là thị trưởng St Petersburg, cho tiến hành điều tra hình sự Sobchack. Trái với suy nghĩ của những người tố cáo Putin, Yeltsin đã không trừng phạt ông vì việc này. Vào tháng 5/1998, 2 tháng sau khi NATO ném bom Nam Tư, Putin được bổ nhiệm làm Phó Văn phòng thường trực của Tổng thống (vị trí thực sự điều hành văn phòng tổng thống). Chúng ta thấy rằng trong lúc thế cuộc thế giới có những thay đổi rất lớn và Primakov là người đóng vai trò đại diện nước Nga trong đối phó với phương Tây thì Putin lúc đó vẫn chỉ loay hoay xung quanh các vấn đề hành chính của văn phòng phủ tổng thống và trả ân oán cho sếp mới, sếp cũ của mình.
Sự kiện NATO tấn công Nam Tư khiến cho uy tín của Yeltsin đặc biệt suy giảm ở trong nước. Khi Regean tới thăm Moscow và đứng với Gorbachev trên quảng trường Đỏ và nói với báo giới rằng ông không coi Liên Xô là một quốc gia ma quỷ nữa, thì người Nga nghĩ rằng nước Mỹ sẽ đối xử với họ một cách ngang bằng như đối tác. Tuy nhiên, sau 8 năm kiệt quệ vì các khủng hoảng do các “giải pháp shock” được áp dụng dưới sức ép của phương Tây, người Nga phát hiện ra rằng nước Mỹ và NATO thậm chí không buồn tính tới phản ứng của Nga trong các hoạt động quốc tế. Nếu như Primakov có thể đóng cửa để nuốt nỗi nhục trước lời khuyên của thượng nghị sỹ Biden mà không ai biết thì sự kiện Kosovo là một sự khinh thường công khai mà cả thế giới đều biết.
Dư luận đổ hết sự tức giận vì bị sỉ nhục lên đầu Yeltsin. Họ ca ngợi sự cứng rắn của Primakov trong quan hệ với phương Tây và cú quay đầu của ông trên Đại Tây Dương được coi là một hành động giữ gìn thể diện quốc gia. Ngược lại, với Yeltsin, họ cho rằng tất cả những chuyện đang diễn ra là do ông đã trở thành con rối của phương Tây và vì quyền lợi riêng mà bán rẻ quyền lợi quốc gia.
Đảng Cộng sản Liên bang Nga (đảng mới tái lập) chiếm đa số trong Duma Nga (hạ viện Nga) nhận thấy uy tín của Yeltsin đã xuống rất thấp đã tiến hành một cuộc tổng tấn công đối với ông. Hầu như toàn bộ các đề xuất của chính phủ đều bị Duma ngăn chặn khiến cho hoạt động của nhà nước gần như đình trệ. Đồng thời, Duma Nga hậu thuẫn cho các hoạt động điều tra hình sự nhằm vào Yeltsin để tạo tiền đề cho việc phế truất tổng thống.
Trong khi đó, các cuộc ném bom ở Nam Tư vẫn đang diễn a ngày càng khốc liệt. Vào tháng 5/1998 Mỹ đã sử dụng 4 quả tên lửa hành trình tấn công “nhầm” và san phẳng đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, thủ đô Serbia. Song song với điều đó, hệ thống tình báo Nga phát hiện ra rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan từ các nước Arab (trong số đó có nhiều kẻ đã tham chiến chống Liên Xô ở Afghanistan) đã dần dần loại bỏ các lực lượng ly khai nhưng ôn hòa trong chính quyền Chechnya và đang chuẩn bị mở rộng các cuộc tấn công vào Nga. Người Nga tin rằng các hành động này được sự ủng hộ của Mỹ và đây là lý do khiến NATO không đếm xỉa gì tới Nga trong vấn đề Kosovo (vì họ biết rằng cuộc nội chiến với Chechnya sẽ sớm bùng nổ và lúc đó Nga sẽ không còn khả năng để đối phó với bên ngoài).
Vào tháng 9/1998, Yeltsin có một nước đi chiến lược quan trọng sẽ ảnh hưởng tới cả thế giới sau này. Ông bổ nhiệm Primakov vào chức vụ thủ tướng Nga và Putin làm người đứng đầu Cục An ninh Liên bang (FSB).
Việc bổ nhiệm Primakov có ý nghĩa đối với cả vấn đề đối ngoại lẫn đối nội. Về đối ngoại, Primakov, người có quan điểm cứng rắn với phương Tây một cách công khai trong chính sách đối ngoại sẽ cho ông một tư cách quyền lực một cách chính thức để nói chuyện với cả phương Tây lẫn tổng thống Milosevic của Nam Tư để tìm ra một giải pháp cho vấn đề Kosovo. Về đối nội, Primakov hiện là người hùng của dư luận trong nước và được cả đảng Cộng sản Nga và các đảng dân tộc ủng hộ (vì quan điểm chống phương Tây công khai) nên sẽ phá vỡ thế bế tắc mà Duma Nga đã tạo ra trong việc đối đầu giữa chính phủ và quốc hội.
Việc bổ nhiệm Putin vào chức vụ giám đốc FSB (chỉ sau 1 năm rưỡi làm việc với Putin) cho thấy Yeltsin đã quyết định sử dụng – không phải là các kiến thức thương mại, quản lý của Putin – mà là bản lĩnh đặc biệt mà ông đã thể hiện khi đối đầu với đám đông định đốt trụ sở chi nhánh KGB tại Dresden, Đông Đức gần 10 năm trước. Hơn ai hết, Yeltsin là người hiểu rõ nhất và chịu đựng nhiều nhất sự nhục nhã của việc thất bại của nước Nga trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất. Ông hiểu rõ sự chủ quan khinh thường của mình khi phát động cuộc chiến tranh, tình trạng yếu kém của quân đội, một kế hoạch tác chiến vội vã và cẩu thả đã dẫn tới thất bại nặng nề và thiệt hại vô cùng lớn cho Nga cả về người, của và uy tín trong nước và nước ngoài. Ông cũng biết rằng trong thời gian từ sau cuộc chiến lần thứ nhất tới nay, lực lượng ly khai đã trở nên mạnh hơn nhiều vì được sự hỗ trợ trực tiếp về tiền bạc, vũ khí lẫn nhân sự từ phương Tây. Do đó, để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới, ông cần một người có đầy đủ năng lực và ông chọn Putin.
Vậy là vào tháng 9/1998, nói một cách hình ảnh thì Primakov và Putin lần đầu tiên gặp nhau trên cương vị hai vị tướng của Yeltsin cho 2 cuộc tranh đấu: về mặt đối ngoại đó là Primakov, và Putin là đối nội (đối phó với tình huống ngày càng xấu đi ở Chechnya).
Trên cương vị là giám đốc FSB, Putin đã có một chiến dịch lôi kéo các thành phần ôn hòa trong phe ly khai ở Chechnya (phe đối lập với phe cực đoan với sự hỗ trợ của các thành phần Hồi giáo cực đoan từ Arab Saudi). Người mà ông lôi kéo được là Akhmad Kadyrov, giáo trưởng hồi giáo của Chechnya, người lãnh đạo tinh thần của phe ly khai Chechen, tổng thống của Chechnya sau cuộc chiến lần 2 và là cha của tổng thống Ramzan Kadyrov hiện nay. Về hoàn cảnh của sự việc, xin xem CHIẾN TRANH Ở UKRAINE – CON ĐƯỜNG DẪN TỚI CHIẾN TRANH (PATH TO WAR) – Phần 8 (substack.com)
Tuy nhiên trước khi có thể tập trung vào vấn đề Chechnya, ông phải đối diện với một cuộc điều tra hình sự nhận hối lộ nhằm vào tổng thống Yeltsin. Người tiến hành các vụ điều tra đó là Yuri Skuratov, trưởng viện công tố tối cao Liên bang Nga. Trước đó, Skuratov nhận được thông báo của cơ quan công tố Thụy Sỹ về việc họ đang điều tra các khoản tiền chuyển từ tài khoản của các công ty có đầu tư vào Nga vào các tài khoản có các thẻ tín dụng mà hàng chục quan chức Nga sử dụng (đặc biệt trong đó có thẻ tín dụng của tổng thống Yeltsin, hai con gái ông và Paven Borodin, người là cấp trên của Putin khi ông mới vào phủ tổng thống). Dựa trên thông tin được thông báo này, Skuratov đã tiến hành một cuộc điều tra với cáo buộc là tổng thống Yeltsin đã nhận hối lộ. Người phát ngôn của Yeltsin trả lời báo chí đơn giản là “Tổng thống không đi mua xúc-xích bằng thẻ American Express” và đây là chiêu bài của các đối thủ chính trị nhằm bôi nhọ Yeltsin và đảng của ông trước kỳ bầu cử.
Việc điều tra đột ngột dừng lại khi Skuratov bất ngờ từ chức vào tháng 1/1999. Tuy nhiên, 2 tháng sau, Skuratov ra điều trần trước Hội đồng Liên bang và nói rằng lý do bị từ chức là do ông bị tống tiền. Hội đồng Liên bang đã bỏ phiếu để cho phép ông tại nhiệm với số phiếu áp đảo là 142 ủng hộ và 6 phản đối (xin lưu ý rằng đây là giai đoạn mà các bên đối lập mạnh tới mức gần như làm tê liệt mọi hoạt động của Yeltsin và chính phủ). Chỉ hai tuần sau đó, Putin với tư cách là giám đốc FSB và bộ trưởng Nội vụ Sergei Stepasin đã họp báo và công bố một video trong đó trưởng công tố Skuratov khỏa thân tắm và lên giường cùng 2 cô gái gọi. Skuratov bị đình chỉ công việc vì bê bối đạo đức và 1 năm sau, Putin, lúc đó là Tổng thống đã sa thải ông vì các cáo buộc tham nhũng đối với ông.
Đến đây chúng ta thấy xuất hiện Sergei Stepashin. Ông là Cục trưởng Cục Phản gián (tiền thân của Cục An ninh Liên bang - FSB mà Putin sẽ làm giám đốc) trong hai năm 1997 và 1998 (chúng ta còn nhớ là khi chuyển toàn bộ bộ máy và nhân sự về cho Liên bang Nga, Primakov đã chia KGB cũ thành Cục Tình báo Đối ngoại do ông làm giám đốc và Cục Phản gián). Sau này Stepashin được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp, rồi sau đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Chỉ 1 tháng sau khi cùng với Putin họp báo công bố đoạn băng video để hạ bệ Skuratov, Stepashin được bộ nhiệm làm Thủ tướng Nga (thay cho Primakov bị cắt chức). Khi bổ nhiệm Stepashin, Yeltsin nói rõ là ông chỉ là thủ tướng tạm thời trong khi chờ một người khác. Stepashin chỉ làm thủ tướng 3 tháng (từ tháng 5/1999 cho tới tháng 8/1999) thì được thay thế bởi Putin khi các chiến binh ly khai Chechnya bắt đầu có các cuộc đột kích vào Daghestan, một nước cộng hòa khác trong liên bang Nga liền kề với Chechnya.
Việc Yeltsin cắt chức Primakov gây ra một sự phẫn nộ vô cùng lớn và 84% số người được hỏi phản đối quyết định này. Người Nga cho rằng Yeltsin sợ rằng Primakov nếu tiếp tục làm tổng thống thì sẽ thay thế mình (Primakov là thủ tướng có tỷ lệ tín nhiệm cao nhất kể từ khi nước Nga độc lập).
Sau khi Putin lên làm thủ tướng, Stepashin và Primakov trở thành các thành phần đối lập. Primakov lập ra đảng chính trị của mình để chuẩn bị tranh cử cho chức Tổng thống. Ông tuyên bố là sẽ truy tố Yeltsin vì các sai phạm về quản lý kinh tế một khi ông trở thành tổng thống và vì thế thu được một sự ủng hộ lớn. Vào quý 3 năm1999, liên danh Primakov và Luzhkov (thị trưởng Moscow) là liên danh dẫn đầu, vượt xa Zyuganov (lãnh tụ đảng Cộng sản Nga) và chính đảng của Putin.
Stepashin sau khi rời khỏi cương vị thủ tướng thì có các phát biểu công khai chống lại một cuộc chiến tranh với Chechnya. Với tư cách là lãnh tụ đối lập, ông tặng các khẩu súng ngắn có chạm khắc cho lãnh tụ phe ly khai cực đoan và phát biểu rằng “chúng ta có thể phải chấp nhận việc mất Daghestan” khi các nhóm này tấn công vào Daghestan từ Chechnya. Các lãnh tụ ly khai Chechnya đã tin rằng Stepashin là kẻ thù thực sự của Putin. Khi vòng vây của quân Nga đã siết chặt quanh Grozny theo lệnh của tạm quyền Tổng thống Putin, các phiến quân bị vây đã liên lạc với một số nhân vật cao cấp ở Moscow (đến nay không được tiết lộ) và đạt được một thỏa thuận hối lộ một số tướng lĩnh Nga phụ trách một khu vực bao vây phía Nam Grozny. Theo thỏa thuận này, sau khi nhận tiền hối lộ, các tướng lĩnh này sẽ bỏ trống một đoạn chiến tuyến để quân ly khai rút ra khỏi Grozny. Trên thực tế, đó là một cái bẫy của tình báo Nga và tuyến đường rút lui của quân Chechen đã bị phục kích và gài mìn. Thành phần lãnh đạo và chiến binh ưu tú của người Chechen đã bị thiệt hại nặng tới mức họ không bao giờ có thể quay lại sức mạnh trước đó. Quân Nga tiến vào Grozny ngày 2/2/2000.
Việc tiêu diệt được phần lớn ban lãnh đạo của lực lượng ly khai Chechnya và giải phóng Grozny được truyền trên TV cho toàn quốc. Chỉ 2 ngày sau, ngày 4/2/2000, Primakov, lúc đó vẫn đang là người dẫn đầu trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, bất ngờ tuyên bố rút khỏi cuộc đua chức tổng thống khi chỉ còn 2 tháng nữa là tới kỳ bầu cử và ca ngợi thắng lợi của quân đội Nga tại Chechnya (ông không quên nhắc nhở về sự nhục nhã của Nga trong cuộc chiến lần thứ nhất và các vụ nổ bom các chung cư trên toàn Nga bởi các thành phần ly khai một tháng trước đó.) Trước đó, Luzhkov, thị trưởng Moscow, đồng minh của Primakov cũng đã rút khỏi cuộc đua tổng thống và chuyển sang ủng hộ Putin.
Thái độ cương quyết đánh dẹp ly khai (ngay sau khi người Nga chịu nhục vì NATO tấn công Kosovo và nổi giận vì các vụ quân ly khai Chechnya đánh bom các tòa chung cư ở Nga), sự rút lui của các ứng cử viên sáng giá nhất cho chức tổng thống (Primakov và Luzhkov) và họ trở thành người ủng hộ Putin (và lôi kéo theo những người ủng hộ họ), việc giải phóng Grozny và tiêu diệt ban lãnh đạo ly khai Chechnya, việc Nga tuyên bố số lượng thương vong trong cuộc chiến Chechnya chỉ có hơn 1000 người vào tháng 1/2000 (rất thấp so với cuộc chiến lần thứ nhất) đã khiến cho Putin thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử (vì tất cả đều diễn ra chỉ 2 tháng trước khi bầu cử khiến cho phe đối lập không kịp trở tay). Đến nay, ngoài lãnh tụ đảng Cộng sản Nga, Zyuganov, người có số phiếu 29,5% (so với 53,44% của Putin), người ta không còn nhớ được tên các ứng cử viên khác.
Ở trên là các diễn biến chính trị của nước Nga từ khi Putin xuất hiện tới khi ông lên làm tổng thống Nga. Ở phần tiếp theo chúng ta sẽ bàn về những người đã thực sự đưa Putin lên tổng thống và từ đó sẽ hiểu được nguồn gốc của các chính sách của Putin sau này.
3.2.3 Ai và cách họ đưa Putin lên làm tổng thống Nga:
Nếu diễn biến trước cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2000 là đầy kịch tính thì những diễn biến sau đó với các nhân vật liên quan gần như ít người để ý nhưng nếu quan sát kỹ thì chúng ta sẽ thấy cũng kịch tính không kém.
Nếu quan sát các hoạt động chính trị của tất cả các nhân vật trên sau khi Putin lên nắm quyền, chúng ta có thể đi tới một kết luận rằng tất cả bọn họ thay vì là các đối thủ chính trị thực sự của Putin, thực ra đã đóng các vai trò khác nhau trong một vở kịch lớn nhất thời hậu Xô Viết để đưa một người vô danh lên vị trí tổng thống Liên bang Nga.
Nhìn vào 4 người nổi bất liên quan tới Putin: Yeltsin, Primakov, Luzhkov, và Stepashin, tôi tin rằng tất cả đều đã cùng nhau diễn một vở kịch ngoạn mục nhất thời hậu Xô Viết, đánh lừa toàn bộ thế giới, những người bỏ phiếu Nga, các đảng đối lập và chính bộ sậu của Yeltsin để không ai nhận ra là: (i) ai sẽ là người thay thế Yeltsin và (ii) những ai sẽ là người đứng sau hỗ trợ cho người đó sau khi người đó lên nắm quyền.
Để thấy được hiểu được điều này, chúng ta sẽ “vở kịch” mà Yeltsin dựng ra để đảm bảo Putin lên được vị trí tổng thống.
3.2.3.1 Yeltsin – Primakov – Stepashin:
Nói một cách ngắn gọn, Putin được Yeltsin lựa chọn và cùng Primakov, Stepashin đưa lên vị trí tổng thống Nga.
Ở trên chúng ta đã biết về con người Primakov. Nhưng để hiểu được cách hai người đưa Putin lên vị trí tổng thống thì chúng ta lại phải biết thêm về con người và tính cách của Yeltsin và mối quan hệ của ông với Primakov.
Tất cả chúng ta đều biết rằng Yeltsin là một chính trị gia mạnh mẽ nhất trong giai đoạn cuối cùng của Liên bang Xô Viết. Nếu như Gorbachev, với các cải cách của mình đã khiến toàn bộ đảng Cộng sản Liên Xô và chính nhà nước Xô Viết suy yếu tới mức phe cứng rắn trong đảng phải tiến hành cuộc đảo chính không thành vào tháng 8/1991 thì Yeltsin mới là người tạo ra điều mà cả thế giới 10 năm trước đó không thể tưởng tượng được. Đó là giải thể Liên bang Xô Viết bằng việc ký hiệp ước Belovezha với tổng thống Ukraine và Belarus để thành lập ra Cộng đồng các quốc gia độc lập (và có nghĩa là giải thể Liên bang Xô Viết) và giải tán đảng Cộng sản Liên Xô.
Khi cuộc đảo chính tháng 8/1991 xảy ra, tất cả các lãnh đạo của bên đảo chính lẫn bên bị đảo chính đều không tiếp xúc với quần chúng mà chỉ nấp trong các tòa nhà có các lực lượng vũ trang bảo vệ mình. Chỉ có Yeltsin, người không có bất kỳ lực lượng vũ trang nào trong tay, đã đứng ra thuyết phục người dân và lực lượng vũ trang của bên đảo chính ủng hộ mình. (hình dưới là Yelsin đứng trên xe tăng của quân đảo chính đã chuyển sang phe ủng hộ Yeltsin đang phát biểu với quần chúng).
Sau khi cuộc đảo chính thất bại và Gorbachev được trở về thủ đô từ nơi ông bị quân đảo chính giam lỏng, Gorbachev đã cố gắng cứu vớt danh dự và khôi phục quyền lực bằng cách phát biểu trước quốc hội và truyền hình tới toàn quốc. Trước những ngôn ngữ bóng bẩy, dài lê thê của Gorbachev, Yeltsin đã bước lên bục phát biểu, đưa cho ông một danh sách các nhân vật cộng sản tham gia đảo chính và ra lệnh ông đọc cho tất cả người dân nghe. Cả thế giới chứng kiến cảnh tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô, tổng thống Liên bang Xô Viết, lắp bắp từ chối (và khi Yeltsin quát lên ra lệnh lần nữa) thì ngoan ngoãn cúi đầu đọc danh sách. Yeltsin đứng bên cạnh và sau khi Gorbachev kết thúc thì nói “giờ tôi sẽ đọc một văn bản ngắn hơn” và cướp diễn đàn. Sau đó, ông đọc sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga giải tán đảng Công sản Liên Xô. Và chỉ với hành động đó, ông giải tán một chính đảng với 19,5 triệu đảng viên, những người nắm giữ mọi vị trí quyền lực của đất nước và cũng có nghĩa là giải tán siêu cường quân sự thứ hai trên thế giới.
Trong thời gian làm Tổng thống Nga, Yeltsin đã giải thể quốc hội vào năm 1993 vài khi các đại biểu từ chối thì ông đã vũ trang cho những người ủng hộ mình và đưa xe tăng của quân đội tới bắn thẳng vào tòa nhà quốc hội để giải tán họ.
Ông đã thay đổi hiến pháp để tăng cường quyền lực cho mình và cắt chức 5 thủ tướng trước khi bổ nhiệm Putin.
Chúng ta nhắc lại tất cả các điều trên để thấy rằng, cho dù Primakov có thể là một người tài giỏi tới đâu thì ông cũng không thể thực thi được chính sách đối đầu với phương Tây một cách công khai của mình nếu không có sự ủng hộ của Yeltsim – người có bản lãnh giải tán cả Liên Xô lẫn đảng Cộng sản Liên Xô. (Xin nhắc lại là Học thuyết Primakov bắt đầu được phương Tây biết đến khi ông được cử làm bộ trưởng ngoại giao vào tháng 1/1996). Thậm chí có thể nói rằng Primakov là một trong những người được tin tưởng nhất của Yeltsin về mặt chính trị khi ông được Yeltsin giao cho nhiệm vụ biến KGB từ một tổ chức của Liên Xô và đảng Cộng sản Liên Xô thành một lực lượng trung thành của Liên bang Nga phi cộng sản. Ông cũng là người đứng đầu Cục tình báo đối ngoại trong toàn bộ nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Yeltsin (trong khi những người đứng đầu của bộ nội vụ, cục phản gián hay bộ quốc phòng chỉ có thời gian tại vị trung bình là 1 năm).
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Yeltsin, Cục Tình báo là cơ quan nhà nước duy nhất của Nga đối đầu với phương Tây lúc đó. Bất chấp sự phản đối của phương Tây (với lý do là Primakov có xu hướng thân với cộng sản) ông vẫn được Yeltsin đưa lên làm bộ trưởng ngoại giao, rồi thủ tướng với đường lối nhiều khi khác hẳn của Yeltsin khiến cho các nhà ngoại giao phương Tây nói là nước Nga có hai chính sách đối ngoại.
Việc Primakov không hề dính vào bất cứ các hoạt động tham nhũng cũng như đứng hoàn toàn độc lập khỏi “nhóm gia tộc” của Yeltsin (nhóm các nhà tài phiệt sân sau của ông và các chính trị gia có sự nghiệp gắn liền với quyền lực của Yeltsin) mà vẫn giữ được vị trí của mình và thực thi chính sách đối ngoại riêng của mình cho thấy Yeltsin nhìn thấy rõ rằng Primakov đang hành động vì quyền lợi của nước Nga chứ không phải vì một cá nhân hay đảng phái cụ thể nào. Không chỉ bảo vệ Primakov khỏi các đấu tranh nội bộ, Yeltsin từng bước đưa ông lên các vị trí quyền lực nhất của đất nước (chỉ thiếu mỗi chức vụ tổng thống). Sự thăng tiến của Primakov bất chấp việc phương Tây không thích ông (vì quan điểm chống phương Tây) và “nhóm gia tộc” (vì việc ông đứng ngoài vòng tham nhũng của họ) và sự ủng hộ Primakov của những đối thủ chính trị của Yeltsin (đặc biệt là đảng Cộng sản Nga) cho thấy Yeltsin đã từng bước hướng bộ máy quyền lực của nước Nga về việc bảo vệ quyền lợi của nước Nga chứ không bảo vệ một nhóm lợi ích cụ thể nào.
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao ông không chọn Primakov là người kế nhiệm mà lại cùng ông này dựng ra một màn kịch cắt chức Primakov, Primakov biến thành đối lập để hút phiếu của những người chống đối Yeltsin rồi bất ngờ rút khỏi cuộc đua và chuyển sang ủng hộ Putin khiến cho phe đối lập không kịp trở tay...? Câu trả lời chính là ở Primakov. Primakov, cho đến tận cuối đời, vẫn có tác phong của một quan chức Liên Xô kỳ cựu. Nếu làm tổng thống, ông sẽ phải có các hoạt động tranh cử theo kiểu phương Tây như Yelsin đã làm. Nếu Yeltsin có thể đưa ra các lời hứa hão và nhảy múa như một con gấu để mua phiếu cử tri thì Primakov không thể làm được chuyện đó (xem Yeltsin nhảy múa trong khi tranh cử ở đây President Boris Yeltsin dancing - YouTube). Việc Primakov chọn làm lãnh đạo Cục Tình báo (lĩnh vực mà ông biết) chứ không chọn Cục Phản gián – cơ quan đầy quyền lực (và lợi ích) trong hoạt động chính trị nội bộ của Nga – cho thấy rõ ông không phải là người muốn thâu tóm quyền lực vì lợi ích cá nhân.
Để có thể khiến nước Nga trở nên hùng mạnh và quay trở lại chính trường thế giới thì người lãnh đạo mới cần phải thực hiện các vấn đề sau: (i) xử lý vấn đề Chechnya, (ii) loại trừ sự lũng đoạn của các nhóm tài phiệt đối với nền kinh tế và chính trị (bao gồm cả nhóm tài phiệt thân hữu của Yeltsin), (iii) xây dựng lại nền kinh tế đất nước, (iv) xây dựng lại quân đội và nền công nghiệp quốc phòng và cuối cùng là thực thi Học thuyết Primakov trên thực tế. Cả Yeltsin và Primakov đều biết rằng các việc đó không thể hoàn thành trong 1-2 nhiệm kỳ tổng thống – và tuổi tác cùng sức khỏe kém của Primakov sẽ khiến ông không thể hoàn thành mục đích đó.
3.2.3.2 Yeltsin – Stepashin:
Stepashin trẻ hơn Primakov (ông sinh năm 1952, cùng tuổi với Putin). Nếu như Yeltsin có thể tin tưởng vào sự tài năng chính trị quốc tế và sự trung thành của Primakov với nước Nga thì Yeltsin lại có thể tin tưởng vào khả năng quản lý, tổ chức của Stepashin như một nhà kỹ trị và sự trung thành tuyệt đối của ông với Yeltsin.
Có dáng vẻ hiền lành của một công chức chuyên nghiệp ít người biết rằng Stepashin xuất thân là một sỹ quan cảnh sát thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô rồi trở thành giảng viên về chính trị và tiến sỹ luật trong học viện cảnh sát tại Leningrad, Stepashin có cả kinh nghiệm thực tế lẫn lý thuyết về các vấn đề nội tại của Liên Xô và nước Nga, đặc biệt là vấn đề sắc tộc. Chính Stepashin vào những năm cuối thập kỷ 80 đã tham gia các hoạt động trấn áp của lực lượng nội vụ liên bang đối với các xung đột sắc tộc giữa người Armenia và Azerbaijan ở vùng Nagorno-Karabakh. Đó cũng là lý do khiến cho ông tham dự từ đầu tới cuối vào các hoạt động chống ly khai tại Chechnya.
Tham gia phong trào chính trị của Yeltsin ngay từ ngày đầu, Stepashin đã 2 lần chứng minh sự trung thành tuyệt đối của mình với Yeltsin vào thời điểm đảo chính tháng 8/1991 và cuộc đối đầu với quốc hội vào tháng 9/1993. Trong cả hai vụ việc, Stepashin đã tổ chức việc phân phát vũ khí cho những người ủng hộ Yeltsin và tổ chức phòng thủ trụ sở tổng thống.
Dưới thời Yeltsin, Stepashin được chuyển từ hết vị trí này sang vị trí khác trong thời gian rất ngắn (chức vụ ông làm lâu nhất là Tổng Kiểm toán Nhà nước dưới thời Putin: 13 năm cho tới khi về hưu). Tuy nhiên, khi xâu chuỗi lại các công việc của ông chúng ta thấy rằng Stepashin là người mà Yeltsin chọn để đưa vào những việc khó nhất, quan trọng nhất; và mỗi khi ông đã đạt được mục đích thì lại được Yeltsin chuyển sang vị trí khác khó khăn hơn.
Ở trên chúng ta đã nói về việc Primakov chia KGB thành 2 cơ quan độc lập, Cục Tình báo và Cục Phản gián. Trong khi Cục Tình báo dưới sự chỉ đạo của Primakov đã hoạt động một cách ổn định trong cả nhiệm kỳ 1991-1996 của Yeltsin thì Cục Phản gián liên tục có biến động về lãnh đạo. Trong 3 năm từ 1991 tới 1994, Cục Phản gián có 3 Cục trưởng, với thời gian nắm quyền trung bình là 1 năm. Vào tháng 2/1994, Stepashin được cử làm Cục trưởng Cục Phản gián. Cùng với bộ trưởng quốc phòng Grachev, ông đã đề nghị Yeltsin tiến hành Cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất. Vào 30/6/1995 (khi cuộc chiến mới đi được nửa đường) thì ông từ chức sau vụ thủ lĩnh ly khai Shamil Basayev tấn công và bắt con tin tại một bệnh viện tại thành phố Budyonnovsk, tỉnh Stavropol của Nga (ngày 14/6/1995). Trong cuộc giải cứu con tin này, lực lượng đặc nhiệm của Nga, theo lệnh của Stepashin đã giải cứu không thành công các con tin dẫn đến một hàng chục con tin bị thiệt mạng trong cuộc nổ súng. Sau đó thủ tướng Nga buộc phải đàm phán và đảm bảo đường rút cho Basayev để đổi lại việc thả các con tin.
Việc từ chức vào ngày 30/6/1995 khiến cho Stepashin tránh được việc bị gán trách nhiệm vào sự thất bại của Cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất. Tuy nhiên, nó cũng làm người ta không biết tới việc quan trọng nhất mà ông đã hoàn thành trong thời gian làm Cục trưởng Cục Phản gián. Trong thời gian ngắn ở Cục Phản gián, ông đã tiến hành cải cách nó. Ngày 23/6/1995, 7 ngày trước khi Stepashin từ nhiệm, Cục Phản gián được tổng thống Nga ra sắc lệnh tái cơ cấu thành Cục An ninh Liên bang Nga. Điều này mới nhìn qua tưởng chỉ là sự đổi tên của cơ quan nhưng thực ra không phải. Do vai trò của KGB trong việc đảo chính tháng 8/1991, nên khi giải tán KGB, bản thân bộ phận an ninh trong nước của KGB bị tách ra thành 2 bộ phận: phản gián (bắt gián điệp nước ngoài) và an ninh (theo dõi tổ chức cá nhân, tình hình an ninh chính trị trong nước). Trong đó phần an ninh được đưa về Bộ Nội vụ (vốn trước đó chỉ quản lý có lực lượng cảnh sát). Việc này nhằm đảm bảo rằng phần còn lại của KGB sẽ không can thiệp vào chính trị như KGB đã làm khi tham gia đảo chính. Trong 3 năm sau đó, Cục Phản gián luôn không ổn định với 3 cục trưởng khác nhau.
Tuy nhiên, sau 1 năm Stephashin làm Cục trưởng, Cục Phản gián đã được tái cơ cấu khiến Yeltsin tin tưởng tới mức cho chuyển lại chức năng an ninh về cho cục và đổi tên nó thành Cục An ninh Liên bang Nga. Động thái này của Yeltsin và những quan điểm cứng rắn của Primkov (lúc đó là bộ trưởng ngoại giao) đã khiến cho phương Tây nói rằng Yeltsin đang tái lập lại KGB.
Cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ 1 cho Yeltsin thấy rõ rằng quân đội Nga đã suy yếu tới mức nó không thể hoàn thành được các nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, Yeltsin không thể tiến hành cải tổ quân đội. Thứ nhất, ông nợ quân đội vị trí tổng thống của mình trong cuộc đảo chính 8/1991 và cuộc đối đầu với quốc hội tháng 9/1993. Thứ hai, trong bối cảnh chính trị hỗn loạn ở Nga thì quân đội là lực lượng duy nhất còn lại mà quyền điều hành chưa bị phân chia bởi các đảng phái chính trị như trong các cơ quan quyền lực khác của Nga. Điều nguy hiểm hơn là lực lượng còn tổ chức thống nhất đó vừa tham nhũng lại vừa bất mãn với tất cả mọi thứ đang diễn ra: từ việc nước Nga bị coi thường, nền kinh tế bị suy sụp, ngân sách quân sự bị cắt giảm và quân đội và sỹ quan bị xã hội coi thường. Chúng ta cần lưu ý là sau khi đảng Cộng sản Liên Xô bị giải tán thì hệ thống chính ủy – cán bộ chính trị trong quân đội Nga được biến thành hệ thống giáo dục tư tưởng quân sự và hoàn toàn mất đi chức năng quản lý tinh thần, tư tưởng của binh sỹ. Các sỹ quan cao cấp quân đội Nga, chỉ sau một đêm ngủ dậy thấy mình không còn bị quản lý về chính trị tìm thấy một sự tự do mà họ chưa từng có. Việc tổng thống Yeltsin nợ họ vị trí quyền lực của mình khiến cho họ không bị ai kiểm soát. Trong khi ngoài xã hội dân sự, các quan chức nhà nước và doanh nghiệp thân hữu điên cuồng kiếm tiền bằng cách tước đoạt của cải nhà nước, thì các sỹ quan cao cấp trong quân đội Nga, không còn bị bất kể ai kiểm soát, lao vào làm giàu bằng mọi cách. Các binh sỹ nghĩa vụ được sử dụng như một lực lượng lao động miễn phí để làm giàu cho các sỹ quan. Các quân trang, vật tư quân sự bị bán ra ngoài thị trường chợ đen. Thậm chí, trong cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, quân ly khai Chechnya có thể mua được hầu như mọi vũ khí hạng nhẹ và đạn dược từ các sỹ quan Nga.
Các nỗ lực cải tổ hệ thống quân đội thông qua những người xuất thân từ quân sự chắc chắn sẽ thất bại vì quân đội Nga (từ thời Sa hoàng qua thời Liên Xô) đều có một truyền thống là chỉ nghe lời các chỉ huy xuất thân quân nhân. Chúng ta cần lưu ý là dưới thời Sa hoàng thì tất cả các quý tộc, kể cả là em trai của Sa hoàng, muốn chỉ huy quân đội thì đều phải trải qua việc huấn luyện như các sỹ quan thông thường. Dưới thời Liên Xô, các chính ủy Hồng quân ngoài việc học chính trị thì buộc phải học trong trường quân sự như mọi sỹ quan và nên khi các chỉ huy bị chết, các chính ủy hoàn toàn có thể thay thế chỉ huy đơn vị. Tuy nhiên, Yeltsin, lại không có người của mình trong hệ thống quân đội Nga. Do đó, các nỗ lực cải cách quân đội của ông đều rơi vào bế tắc.
Sau Cuộc chiến Chechnya lần thứ 1 và các diễn biến ở chính trị ở Đông Âu, Yeltsin biết là ông ta phải giải quyết vấn đề Chechnya thật nhanh. Nếu không, một khi lực lượng ly khai tập hợp đủ lực lượng và sự hỗ trợ từ nước ngoài đủ mạnh thì ngọn lửa ly khai sẽ một lần nữa bùng lên và lan ra gần 90 thực thể của Liên bang Nga. Tuy nhiên, để làm việc đó, ông ta không thể buộc quân đội cải tổ và cũng không thể đợi quân đội Nga tự làm điều đó.
Thêm vào đó, Yeltsin biết rằng nếu chỉ thuần túy sử dụng quân đội Nga vào cuộc chiến Chechnya lần 2 thì phương Tây sẽ viện cớ này để coi là Nga đang phát động chiến tranh và cắt các khoản viện trợ kinh tế và tái cơ cấu các khoản vay cho Nga. Điều đó sẽ dẫn tới sự sụp đổ của nền kinh tế. (chúng ta lưu ý là sau khi Primakov với quan điểm đối đầu phương Tây trở thành thủ tướng thì IMF dừng mọi khoản vay đối với Nga). Do đó, để tiến hành cuộc chiến tranh Chechnya lần 2, Yeltsin chọn Bộ Nội vụ Nga là lực lượng nòng cốt và để nó tiến hành cuộc chiến như một hoạt động tiễu trừ băng đảng và khủng bố.
Muốn biến Bộ Nội vụ thành một lực lượng chiến đấu có thể thắng một cuộc chiến mà quân đội Nga đã thua thì việc Bộ này phải được cắt bỏ các bộ phận không cần thiết và được tổ chức trang bị với quy mô tương ứng với cuộc chiến sẽ diễn ra (giống như là muốn một người thành võ sỹ thì đầu tiên phải khiến anh ta giảm cân rồi sau đó dạy võ cho anh ta).
Muốn làm điều đó thì phải thay đổi bộ khung pháp lý cho hoạt động của Bộ Nội vụ. Muốn làm điều đó thì Yeltsin phải thay đổi luật pháp – điều mà các đảng đối lập sẽ dùng mọi cách có thể để ngăn chặn các thay đổi. Để làm điều này, Yeltsin cử Stepashin làm bộ trưởng tư pháp. Trong thời gian 1 năm làm bộ trưởng tư pháp, Stepashin đã chuyển toàn bộ hệ thống nhà tù liên bang từ Bộ Nội vụ về cho Bộ Tư pháp quản lý. Điều này được thực hiện dưới lý do là để đáp ứng các yêu cầu về nhân quyền của châu Âu. Việc không còn phải quản lý nhà tù liên bang đã khiến cho bộ máy của Bộ Nội vụ trở nên gọn nhẹ, linh hoạt hơn (phù hợp với việc chuẩn bị cho nó trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến sắp tới ở Chechnya). Bước tiếp theo, Stepashin đã cho soạn các quy định để tạo ra một hành lang pháp lý cho phép Bộ Nội vụ thành lập và trang bị các lực lượng đặc nhiệm còn tinh nhuệ hơn các lực lượng tương đương của quân đội. Thẩm quyền của Bộ Nội vụ cũng được mở rông để nó có thể tiến hành một cuộc chiến tranh dưới danh nghĩa truy quét khủng bố.
Sau khi các hành lang pháp lý đã xong, Stepashin lại rời khỏi bộ tư pháp và trở thành bộ trưởng Bộ Nội vụ để thực hiện xây dựng năng lực chiến đấu theo hành lang pháp lý mà ông vừa tạo ra năm trước. Trong khi Stepashin làm tất cả các việc đó để chuẩn bị cho cuộc chiến Chechnya lần 2 thì Putin mới bắt đầu từ St Petersburg về Moscow làm phó văn phòng Tổng thống và cuối cùng là trở thành Giám đốc Cục An ninh Liên bang Nga (đơn vị mà Stepashin đã cải tổ và tạo ra hồi 1995).
Vào tháng 4/1999, chỉ 1 tháng trước khi rời khỏi Bộ Nội vụ và trở thành Thủ tướng (và phát động Cuộc chiến tranh Chechnya lần 2), Stepashin, là người lần đầu tiên giới thiệu Putin ra đấu trường chính trị nước Nga. Đó là cuộc họp báo công bố đoạn băng khỏa thân của Viện trưởng Viện Công tố Tối cao Skuratov, người đang điều tra Yeltsin vì tham nhũng. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của toàn bộ người dân nên việc xuất hiện của Putin sẽ giúp ông rút ngắn được thời gian để công chúng biết mặt. Stepashin, với Putin ngồi cạnh, là người dẫn dắt cuộc họp báo. Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy cách thức trong đó Stepashin là người làm còn Putin được hưởng lợi nếu việc thuận lợi và Stephashin sẽ nhận điều tiếng xấu nếu việc thất bại.
Putin hưởng trọn hào quang của việc hạ bệ Skuratov. Sau đó, vào tháng 5/1999, Stepashin trở thành thủ tướng thay cho Primakov. Khi các cuộc tiến công không tuyên bố bằng không quân vào Chechnya có hiệu quả rõ rệt, Yeltsin cắt chức Stepashin vào tháng 8/1999. Chỉ vài ngày sau khi lên làm thủ tướng, Putin mới thừa nhận rằng chiến dịch tiễu trừ khủng bố ở Chechnya đang diễn ra. Sự việc sau đó, chúng ta đã nói ở trên.
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao Stepashin, người được Yeltsin tin tưởng tuyệt đối, thực sự có năng lực và là người đã từng được Yeltsin cân nhắc là người thay thế mình lại chấp nhận lùi lại để Putin hưởng toàn bộ các thành quả do mình chuẩn bị mà vẫn hợp tác một cách trung thành với Putin tới tận ngày về hưu?
Câu trả lời là, giống như Primakov, ông này không có tham vọng quyền lực tuyệt đối cho bản thân. Quá trình thăng tiến của Stepashin luôn gắn với các điểm nóng, các vị trí nóng phải xử lý (vấn đề nội chiến, sắc tộc, cải cách pháp luật...). Điều đó khiến ông không trở thành một phần của “nhóm gia tộc” đầy tham nhũng của Yeltsin.
Điểm khác biệt lớn giữa ông và Primakov là nếu Primakov đặt nước Nga lên trên hết thì có lẽ là Stepashin đặt sự trung thành với Yeltsin lên trên hết. Điều này được thể hiện rõ trong thời kỳ ông làm bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong thời gian này Stepashin đã tiến hành hàng loạt vụ điều tra chống tham nhũng đối với các quan chức nhà nước cấp cao. Điều này mới đầu khiến cho người dân Nga rất đánh giá ông rất cao. Tuy nhiên, cùng sự thành công của các vụ điều tra và xử lý thì người ta nhận thấy rằng các vụ điều tra này luôn luôn “dừng trước chân tường của điện Kremlin”. Tất cả các quan chức bị xử lý đều liên quan tới các đảng đối lập với Yeltsin còn “nhóm gia tộc” của Yeltsin thì không bị đụng tới. Điều này khiến cho uy tín của Stepashin bị giảm vì người ta thấy rằng các hoạt động điều tra của ông là để củng cố quyền lực cho Tổng thống.
Vì những điều trên, dù Stepashin còn trẻ (ngang tuổi Putin lúc đó), có năng lực và được tin tưởng nhưng có lẽ cả Yeltsin lẫn Stepashin biết rằng công chúng và cả Primakov sẽ không ủng hộ Stepashin thành tổng thống vì ông ta đã quá gắn bó với cá nhân Yeltsin. Do đó, họ đã chọn Putin.
Có thể thấy rằng Putin là một ứng cử viên mà cả Yeltsin, Primakov và Stephashin đều ủng hộ (với các lý do giống và khác nhau).
Các lý do chung để lựa chọn Putin là: ông còn trẻ, yêu nước Nga, có mọi tố chất của một người lãnh đạo từ tầm nhìn tới khả năng quản lý, triển khai, thực hiện.
Đối với Yeltsin, lý do riêng và cũng rất quan trọng là việc Putin không phản bội những người bạn, những người hợp tác và cấp trên cũ của mình. Việc Putin tạo điều kiện cho Sobchak trốn khỏi nước Nga bất chấp nguy hiểm tới bản thân là một minh chứng.
Đối với Primakov, Putin xuất thân từ tình báo đối ngoại. Về cơ bản, điều đó có nghĩa là giữa ông và Putin sẽ có rất nhiều điểm chung về suy nghĩ, cách làm việc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với Primakov là, dưới thời Xô Viết, những người được KGB chọn làm cán bộ tình báo đối ngoại là những người tốt nhất về cả phẩm chất, trí thông minh lẫn lòng yêu nước. Trong đó lòng yêu nước và sự trung thành với tổ quốc yếu tố sống còn để đảm bảo cho thành công của công tác. Ở Putin, có lẽ Primakov nhìn thấy tất cả những điều đó.
Đối với Stepashin, có lẽ ông nhìn thấy ở Putin điều mà mình không có. Đó là sự quyết đoán tới lạnh lùng vào thời điểm sống còn. Trong vụ bắt con tin tại Budyonnovsk vào tháng 6/1995, Stepashin, lúc đó với tư cách là Cục trưởng Cục Phản gián đã thất bại trong chỉ đạo chiến dịch giải cứu. 9 năm sau sự kiện đó, khi trả lời báo chí, ông nói rằng “nếu như lúc đó tôi không có mặt ở đó thì sẽ hay hơn [chiến dịch có thể thành công]”. Nói một cách khác, Stepashin có mọi yếu tố của một phó thủ tướng chứ không có tố chất của một tổng thống.
Vậy Yeltsin, Primakov, Stepashin và Putin đã một vở kịch như thế nào?
3.2.3.3 Vở kịch của Yeltsin:
Yeltsin sau khi rời khỏi chức vụ tổng thống gần như không bao giờ xuất hiện trước công chúng hay trả lời báo chí. Chỉ có một lần khi trả lời về việc nhường lại quyền cho Putin, ông nói đại ý như sau. Khi tôi thấy được Putin là người mà nước Nga cần thì vấn đề còn lại là thuyết phục anh ấy và làm cho người dân Nga biết tới anh. Yeltsin nói rằng khi được đề nghị, Putin đã từ chối với lý do rằng anh ấy không muốn điều đó và cũng không được chuẩn bị. Tôi đã phải thuyết phục rằng anh ấy có mọi tố chất cần thiết và anh ấy làm điều đó không phải cho bản thân mà là cho nước Nga.
Bây giờ, sau khi xem xét các nhân vật trên, chúng ta biết rằng việc thuyết phục của Yeltsin với Putin không chỉ dừng lại ở lời nói mà nó được chuẩn bị rất lâu trước đó, với nhiều tầng, nhiều lớp. Thay vì việc đơn giản là từ chức và chỉ định Putin, Yeltsin đã để lại cho Putin những người đáng tin cậy và các công việc đã được chuẩn bị gần như đầy đủ cho việc bắt đầu cương vị tổng thống. Trong số người mà Yeltsin để lại cho Putin, có một người rất đặc biệt mà tôi chưa đề cập. Chúng ta sẽ gặp người này ở dưới đây, khi bàn về những cải cách để chuẩn bị cho cuộc chiến Ukraine mà Putin sẽ bắt đầu sau 10 năm cầm quyền.
Vậy vở kịch là gì? Yeltsin nói rằng điểm mạnh nhất của Putin là ông ấy trong sạch hoàn toàn với chính trường của Nga lúc đó. Trong 8 năm trước đó, ông không bị lôi kéo vào các nhóm lợi ích, chính trị trên chính trường Nga. Điều đó sẽ khiến cho nhân dân tin rằng ông sẽ là một khởi đầu mới, sạch sẽ cho nước Nga. Vấn đề là thời gian kể từ khi ông lựa chọn Putin tới cuộc bầu cử tiếp theo là một khoảng thời gian chưa tới 2 năm (quá ít để đưa một người mà công chúng không hề biết trở thành tổng thống). Để làm được điều bất khả thi đó, Yeltsin thực hiện nhiều bước đi khéo léo để công chúng chấp nhận Putin.
Bước đầu tiên, vào 3/1998, ông cắt chức thủ tướng Chernomyrdin, một người đã làm thủ tướng cho ông suốt từ 1992 tới 1998. Thay thế Chernomyrdin là Kiriyenko, người giữ chức vụ phó chủ nhiệm văn phòng tổng thống (vị trí mà sau này Putin sẽ giữ). Các đảng đối lập 2 lần bỏ phiếu từ chối bổ nhiệm Kiriyenko vì họ cho rằng ông này không có bất kỳ năng lực gì ngoài việc là một tôi tớ trung thành của Yeltsin. Bỏ phiếu đi lại nhiều lần, cuối cùng Kiriyenko cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng. Chỉ 4 tháng sau, Yeltsin cắt chức ông này và tái bổ nhiệm Chernomyrdin một lần nữa làm Thủ tướng (lần thứ 3 với ông này). Chỉ 1 tháng sau khi tái bổ nhiệm Chernomyrdin, Yeltsin lại cắt chức ông và bổ nhiệm Primakov. Mặc dù Primakov là người mà Yeltsin tin tưởng giao Cục Tình báo cho ông lãnh đạo suốt 5 năm nhưng học thuyết chống phương Tây của ông và hành động của ông trong sự kiện Kosovo đã khiến cho ông có được sự tín nhiệm từ phe đối lập.
Chỉ 9 tháng sau khi bổ nhiệm Primakov, Yeltsin lại cắt chức ông vào thời điểm uy tín của Primakov đang rất cao. Việc Primakov liên minh với Luzhkov để ra tranh cử tổng thống Nga đã hút một số lượng lớn cử tri và khiến cho đảng Cộng sản Nga, đối thủ chính của Yeltsin, bị cạnh tranh mãnh liệt. Yeltsin bổ nhiệm Stepashin, người mà ai cũng biết là trung thành tuyệt đối với Yeltsin, làm thủ tướng.
Trong khi người dân Nga đang ngán ngẩm vì niềm hy vọng đổi mới khi Primakov lên làm thủ tướng bị dập tắt bởi Stepashin thì phe ly khai Chechnya rơi vào cái bẫy khiêu khích mà Stepashin giăng ra trước đó và tấn công vào Nga. Các lực lượng của Nga đã chuẩn bị từ lâu trước đó đã bắt đầu tiến hành một cuộc tấn công không tuyên bố vào Chechnya với một chiến lược, chiến thuật hoàn toàn khác với cuộc chiến lần thứ nhất với nòng cốt là hỏa lực không quân, pháo binh của quân đội nhưng các mũi nhọn tấn công, bao vây lại được dẫn đầu bởi các đơn vị đặc nhiệm của Bộ Nội vụ. Chỉ 3 tháng sau khi Stepashin làm thủ tướng, nhận thấy cuộc chiến sẽ thắng lợi, Yeltsin lại cắt chức Stepashin và bổ nhiệm Putin.
Việc Stepashin đóng vai đối lập và thể hiện sự ủng hộ với những kẻ ly khai Chechnya khi ông đề cập tới việc Nga nên chấp nhận mất Daghestan (và sự thất bại trong chiến dịch giải cứu ở Budyonnovsk trước đây của ông) đã thổi bùng lên sự căm ghét của dư luận đối với Stepashin nói riêng (và Yeltsin nói chung). Vì thế, sự ủng hộ đổ dồn về cho Primakov và Luzhkov. Putin, với một hình ảnh nhà lãnh đạo mới, trong sạch, không có liên kết với “Nhóm gia tộc” của Yeltsin và cứng rắn (“chúng tôi không đàm phán với khủng bố”) trở nên tương phản hoàn toàn với Stepashin và nhanh chóng thu hút được sự ủng hộ của nhân dân.
Khi những chuẩn bị trong những năm trước đó tạo ra thành quả - giải phóng Grozny, ban lãnh đạo của Chechnya gần như bị tiêu diệt trong bãi mìn và bị phục kích bởi chiến dịch tình báo – và uy tín của Putin đang lên tới đỉnh, chưa bị các thương vong của cuộc chiến làm suy giảm thì đồng loạt Primakov, Luzhkov, lẫn Stepashin rút khỏi cuộc đua và đề nghị người dân dồn phiếu cho Putin.
Tất cả các bước đó và việc đẩy nhanh thời điểm bầu cử tổng thống lên 2 tháng đã khiến cho các đảng đối lập hoàn toàn bị bất ngờ và không kịp trở tay. Vì thế, một người gần như trước đó vài tháng không ai biết đã trúng cử tổng thống với số phiếu bầu cao nhất kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.
3.2.3.4 Những gì diễn ra sau khi vở kịch hạ màn:
Chỉ 3 tháng sau khi Putin chính thức trở thành tổng thống thì Primakov được bổ nhiệm vào chức vụ cố vấn chính trị cho Putin và giữ chức vụ đó tới tận khi nghỉ hưu hoàn toàn vì sức khỏe. Ông sáp nhập đảng của mình vào đảng chính trị của Putin. Ông cũng được Putin bổ nhiệm vào chức vụ chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga và làm việc tới tận năm 2011. Dưới thời Gorbachev, Primakov là đặc phái viên đặc biệt của Tổng thống Liên Xô để thuyết phục Sadam Hussein, tổng thống Iraq, rút khỏi Kuwait năm 1991. Dưới thời Putin, ông cũng lại là đặc phái viên đặc biệt của tổng thống Nga để thuyết phục Sadam Hussein từ chức nhằm tránh một cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq. Sau 23 năm kể từ khi Putin lên nắm quyền, chúng ta thấy chính sách đối ngoại của Nga chỉ là sự triển khai tư tưởng của ông – tư tưởng mà ngoại trưởng Lavrov gọi là “Học tuyết Primakov”.
Luzhkov vẫn tiếp tục làm thị trưởng Moscow trong hơn 10 năm sau khi Putin lên nắm quyền và đảng của ông sáp nhập vào đảng chính trị của Putin. Dưới thời của ông, Moscow phát triển vượt bực và sự phát triển đó phản ánh rõ các chính sách của Putin. Tương tự như Primakov, ông không bao giờ ra tranh cử tống thống lần nào nữa. Ông chỉ bị sa thải vào năm 2012 khi Medvedev làm tổng thống.
Stepashin, thay vì việc bị xử lý bởi các hành động “thân thiện”, thậm chí khuyến khích phái ly khai khi họ tấn công qua biên giới Chechnya vào Daghestan, thì lại sáp nhập đảng chính trị của mình vào đảng của Putin và quay lại làm công chức nhà nước và được Putin cử làm Tổng Kiểm toán Nhà nước tới tận khi về hưu năm 2013. Trong 10 năm đầu tiên của Putin, các nhà tài phiệt lũng đoạn chính trị lần lượt bị dẹp. Kể cả các doanh nghiệp thuộc “Nhóm gia tộc” của Yeltsin cũng bị loại trừ (chỉ có những người thuộc gia đình ruột thịt của cựu tổng thống Yeltsin là không bị động tới). Tất cả bọn họ đều phải chạy trốn ra nước ngoài hoặc bị điều tra, xét xử và giam cầm. Tất cả các hành động chống lại các nhà tài phiệt lũng đoạn này đều liên quan tới thuế và bắt đầu từ các vụ việc mà Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra. Và nhân vật của chúng ta, Stepashin, là Tổng Kiểm toán Nhà nước Nga trong suốt 13 năm tới khi về hưu. Vào thời điểm Stepashin về hưu, không còn bất kể nhà tài phiệt nào chống đối Putin mà chưa bị xử lý.
3.2.4 Tóm tắt lại về quá trình chuyển giao quyền lực cho Putin
Các sự kiện ở trên cho chúng ta thấy rằng Putin không tự nhiên bước từ bóng tối ra trước công chúng và vụt chói lòe bởi tài năng xuất chúng của mình. Trước khi ông xuất hiện, ban lãnh đạo nước Nga đã nhận ra rằng cuộc đấu tranh về ý thức hệ giữa hệ tư tưởng tư bản và cộng sản chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Họ nhận ra rằng cái mà phương Tây cần là duy trì sự độc tôn của họ bằng cách kiềm chế và làm suy yếu bất kỳ một quốc gia nào hùng mạnh và không nghe lời họ. Để làm điều đó thì phương Tây sẽ làm cho quốc gia đó kiệt quệ về kinh tế, suy thoái về văn hóa, rối loạn về chính trị, suy yếu về quân sự và cuối cùng thì đánh bại, chia cắt nó và tạo ra các xung đột nội bộ về dân tộc, tôn giáo để các quốc gia này mãi chìm trong nội chiến. Phương Tây đã làm điều đó thành công với Liên Xô, Liên bang Nam Tư, sau đó là Iraq, Lybia... Ví dụ điển hình nhất là trường hợp Trung Quốc. Mặc dù là một quốc gia cộng sản có dân số lớn nhất thế giới nhưng vào năm 1972, nước Mỹ sẵn sàng ôm hôn Trung Quốc vì họ cần Trung Quốc để kiềm chế Liên Xô và vào lúc đó Trung Quốc là một trong các quốc gia nghèo nhất thế giới. Thế nhưng hiện nay, vẫn là nước Trung Quốc cộng sản thì nước Mỹ và phương Tây lại coi Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất và có hàng loạt động thái để kiềm chế nước này – và sự thay đổi quan điểm đó không phải là vì Trung Quốc vẫn là quốc gia cộng sản mà vì nó sắp trở thành nền kinh tế lớn số một thế giới trong thời gian tới.
Để nước Nga có thể đứng vững, nó cần phải có (i) một chính sách đối ngoại hợp lý, (ii) một nền kinh tế phát triển, (iii) một nền chính trị đối nội lành mạnh, (iii) một quân đội và nền công nghiệp quốc phòng hiệu quả và mạnh, và cuối cùng (iv) nó phải có một hệ tư tưởng chung để gắn kết tất cả các dân tộc, tổ chức, cá nhân lại. Nước Nga, trong lịch sử của nó, chưa bao giờ thiếu nhân tài. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ và những năm tháng hỗn loạn trong nhiệm kỳ đầu tiên của Yeltsin, nước Nga cái mà nước Nga thiếu là niềm tin của người dân vào một hệ thống lãnh đạo trong sạch và vì đất nước. Việc không tham gia quá sâu vào chính trường của Putin và không dính đến các phe cánh làm ăn của ông có thể là điểm yếu cho một người muốn kiếm tiền và leo cao trong trong hệ thống nhưng nếu để làm một nhà lãnh đạo có thể lấy lại niềm tin từ người dân thì đó lại là điểm mạnh của ông. Vào thời điểm ông được lựa chọn, không có nhà lãnh đạo nào hội tụ đủ các yếu tố từ lòng yêu nước, tới các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, sự quyết đoán, tuổi trẻ và sức khỏe như ông.
Sau khi trở thành Tổng thống, Putin được sự hỗ trợ toàn tâm, toán ý của Primakov và Stepashin (những người mà chúng ta đã thấy ở trên, có các tố chất rất đặc biệt và ai cũng có thể là một ứng cử viên sáng giá cho chức tổng thống). Primakov đã (i) tư vấn cho Putin về các vấn đề đối ngoại và chính trị, (ii) hỗ trợ ông trong việc xây dựng đảng chính trị cho mình (đảng của Primakov và Luzhkov dù có số lượng lớn hơn nhưng lại sáp nhập vào đảng của Putin), (iii) trực tiếp tham gia xử lý các vấn đề đối ngoại cho Putin (Primakov là đặc phái viên của Putin trong việc thuyết phục Sadam Hussein từ chức để tránh một cuộc chiến với Mỹ năm 2003), (iv) cung cấp cho ông những nhân sự chủ chốt nhất trong quá trình xây dựng bộ máy của mình.
Putin đặc biệt tôn trọng Primakov và chúng ta thấy rằng Học thuyết Primakov chính là thứ nước Nga triển khai trong suốt hơn 20 năm kể từ khi Putin lên nắm quyền. Dưới đây là 4 bức ảnh chụp chung giữa Putin và Primakov (sắp sếp theo thứ tự thời gian từ bức cũ nhất tới mới nhất). Trong các bức ảnh, chúng ta thấy một Putin hoàn toàn khác với con người chúng ta thường thấy. Khi đứng bên hoặc ngồi cạnh Primakov, Putin có thái độ giống như một học trò, một người được bảo trợ của Primakov. Đó là lý do nhiều chuyên gia về Nga của phương Tây gọi Primakov là “người đỡ đầu của Putin” (“Putin’s Godfather”).
Hình 1: một Putin trẻ, với dáng vẻ ngần như là ngượng nghịu khi ra mắt công chúng và được một Primakov già dặn kinh nghiệm động viên, thúc đẩy.
Hình 2 Một cuộc trao đổi giữa Tổng thống và cố vấn nhưng nhìn bên ngoài giống như cuộc trao đổi giữa hai thày trò
Hình 3 Cố vấn và Tổng thống. Chúng ta không thấy ai khác ngoài Yeltsin và Primakov có cách nói chuyện như thế này với Putin
Hình 4 - Tổng thống và cựu cố vấn (lúc này Primakov đã về hưu). Chúng ta thấy Putin giống như một giám đốc nhà máy đang cố gắng giới thiệu thành tích của mình cho một bộ trưởng đang tới thị sát
Tuy nhiên, dù Primakov và những người mà Yeltsin để lại cho Putin có trợ giúp đến đâu thì chúng ta cũng thấy rằng vào học thuyết Primakov cũng sẽ không thể thực hiện được nếu như nước Nga không có một nền kinh tế phát triển, một nền chính trị đối nội lành mạnh, một quân đội và nền công nghiệp quốc phòng mạnh và hiệu quả, và cuối cùng nó phải có một hệ tư tưởng chung để gắn kết tất cả các dân tộc, tổ chức, cá nhân lại. Và những thứ đó, Putin phải tự làm vì cả Primakov lẫn những người mà Yeltsin lựa chọn trợ giúp cho Putin cũng đều không biết cách giải quyết các vấn đề này – cả về mặt lý thuyết lẫn thực hành.
Nói một cách hình ảnh, nếu như Yeltsin là Sergei Korolev (tổng công trình sư của chương trình vũ trụ của Liên Xô) và Putin là Yuri Gagarin (nhà du hành vũ trụ đầu tiên của loài người) và việc trở lại thành cường quốc của nước Nga giống như cuộc phóng tên lửa Vostok 1 (chuyển bay đưa Gagarin vào vũ trụ), thì việc trao nhiệm vụ bay sẽ diễn ra như sau. Một ngày, Yeltsin (tổng công trình sư) đề nghị Putin (nhà du hành vũ trụ tương lai) đến và nói:
“Vladimir thân mến, chúng ta phải phóng được tàu Vostok 1 lên vũ trụ. Đây không phải là việc làm vì vinh quang mà là vì nếu không phóng được thì tất cả chúng ta sẽ cùng chết. Chúng tôi đã chọn anh làm phi công của tàu. Anh có nhiệm vụ đưa nó vào vũ trụ. Từ trước tới nay, mọi chuyến bay thử nghiệm đều kết thúc trong tai họa. Giờ tôi mệt rồi, tôi không thể tiếp tục được nữa.
Anh hỏi tôi về con tàu? Con tàu Vostok 1 mà anh sẽ bay đang nằm ngoài kia. Anh có thể tự mắt thấy rằng nó mới hoàn thành chưa được 1/5 và những bộ phận được coi là đã hoàn thành thì chẳng có cái nào thực sự là hoạt động tốt cả.
Về nhân sự cho dự án? Nhân tiện đây tôi nói luôn là anh sẽ vừa là tổng công trình sư để thiết kế ra con tàu, vừa là giám đốc, vừa là kỹ sư, là chuyên gia. Nói chung là tất cả những chức danh mà anh sẽ nghĩ ra vì ngoài mấy người ngồi ngoài kia thì tất cả đám còn lại, tôi nói thẳng là anh sẽ phải đuổi dù rằng nó là lính của tôi. Primakov có thể cử vài người giúp anh, còn lại thì anh nên tự tuyển vì đám lính của tôi toàn một lũ ăn cắp (trừ mấy tay tôi sẽ giành riêng ra cho anh sử dụng).
Anh hỏi về tài liệu kỹ thuật? À, chúng ta có Primakov với bài luận của ông ấy về quỹ đạo nên có của tên lửa Vostok. Thực ra nó chỉ có 7 cái gạch đầu dòng nên anh thậm chí có thể thuộc lòng nó mà không cần in ra. Còn lại về động cơ phải thiết kế ra sao, nhiên liệu sẽ là loại gì, hệ thống định vị và hoa tiêu của con tàu là gì...vv và vv... thì chúng tôi quyết định rằng anh đủ thông minh để tự nghiên cứu, tự thiết kế và tự sản xuất. Xét cho cùng, anh sẽ bay trên con tàu đó nên nếu anh làm sai thì chúng tôi sẽ phải thương tiếc rơi nước mắt mỗi lần nhớ tới anh.
Anh hỏi về tiền bạc? À, đó là một thứ xa xỉ trong một đất nước đang phá sản. Đừng hy vọng là chúng ta có tiền tiết kiệm cất đâu đó để nay mang ra chi dùng và cũng đừng hy vọng là có ai sẽ cho anh vay tiền.
Anh hỏi về giúp đỡ? Không ai sẽ thực sự giúp anh cả. Những người mà tôi gọi là bạn bè, họ sẽ đến nhòm ngó công việc của anh và nếu phá hoại được gì thì họ sẽ phá hoại vì họ không muốn anh bay được vào vũ trụ.
À, thêm một việc nữa là nhân dân của chúng ta sẽ không ai tin là anh sẽ làm được – giống hệt như họ không tin và coi thường tôi như bây giờ. Tôi không giúp được anh việc này, hãy đi ra ngoài đó và cố cười tươi với nhân dân và hy vọng rằng họ sẽ tin tưởng anh.
Anh hỏi là tại sao không để Primakov hay Stepashin làm chuyện này? À, họ đủ thông minh để không muốn trở thành tổng công trình sư đầu tiên làm phi công và chết trong con tàu do mình sản xuất. Họ chỉ thích khuyên bảo anh rồi ngồi uống cà phê dưới đất và ngắm tên lửa bay lên. Tuy nhiên, cả hai người bọn họ đều tin rằng anh đủ thông minh (hay ngu ngốc – tôi cũng không nghe rõ khi họ nói) để nhận làm việc này.
Vậy đó, Vladimir, hãy đi làm việc và trở thành tổng công trình sư – phi công vũ trụ đầu tiên. Hãy chăm sóc cho cái đống đồng nát mà chúng ta gọi là con tàu Vostok Nga. Anh có một năm để chuẩn bị cho ngày ra mắt công chúng”.
Putin đã nhận công việc đó. Ở trong các phần tiếp theo tôi sẽ không bàn việc Putin có ngu ngốc khi nhận làm cái công việc mà Yeltsin mô tả hay không (vì nếu là tôi thì tôi chắc chắn nói với Yeltsin rằng tôi không ngu tới mức đi nhận cái việc đó) mà chúng ta bàn về cách thức mà Putin thực hiện đóng con tàu của mình rồi đưa nó đi theo đạn đạo mà Primakov đã vạch ra.
Trước khi dừng tạm phần này ở đây (vì đã quá dài) tôi sẽ điểm qua những vấn đề mà chúng ta đặt ra phần đầu để xem chúng ta đã giải quyết được những gì và những gì sẽ còn phải bàn ở phần sau. Ở phần đầu chúng ta có các câu hỏi sau:
“Muốn hiểu về cuộc chiến toàn diện mà Putin phát động thì chúng ta phải hiểu về: (i) học thuyết nào là nền tảng cho các hành động của nước Nga để quay lại vũ đài, và (ii) nước Nga trở lại vũ đài quốc tế dưới mô hình nào.
Để hiểu được học thuyết làm nền tảng cho các hành động của nước Nga thì chúng ta cần phải biết (i) ai là tác giả của nó, (ii) người thực thi nó chỉ là một mình Putin hay là ai khác. Muốn hiểu được điều này thì chúng ta lại phải hiểu được quá trình Putin lên nắm quyền lực, ai là người đưa ông lên, quá trình đấu tranh về quyền lực trong nội bộ nước Nga trong quá trình cải tổ để quay lại vũ đài chính trị thế giới.”
Như vậy, trong phần ở trên, chúng ta đã biết là học thuyết làm nền tảng cho nước Nga quay lại vũ đài chính trị thế giới là học thuyết mang tên của chính tác giả “Học thuyết Primakov”. Chúng ta cũng đã thấy rằng, việc Putin lên làm tổng thống không phải là một sự lựa chọn ngẫu hứng của Yeltsin hoặc chỉ đơn thuần là kết quả của việc chọn một người sẽ bảo vệ gia đình Yeltsin sau khi ông về hưu. Chúng ta thấy rằng ban lãnh đạo của Nga, từ người cao nhất là Yeltsin, đã sớm nhận thấy mục tiêu của phương Tây không phải chỉ là tiêu diệt chế độ cộng sản mà thực ra là làm suy yếu bất cứ đối thủ nào có thể đe dọa địa vị độc tôn của họ - và nước Nga, với tất cả tài nguyên và với việc Liên bang Xô Viết từng là một siêu cường thứ hai thế giới – sẽ không thể tránh khỏi việc trở thành đối tượng bị kìm hãm, chia rẽ và cuối cùng sẽ lại làm tan rã giống như Liên Xô. Vì lý do đó, Yeltsin, trong khi vẫn có một hệ thống sân sau tham nhũng, đã từng bước giao cho những người hiểu rõ và có kinh nghiệm đối đầu với phương Tây các quyền lực cần thiết để bảo vệ nước Nga.
Sự lựa chọn Putin là một tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở ông là một người có năng lực xuất sắc, yêu nước và quan trọng nhất là gần như tất cả mọi người (từ phương Tây tới nhân dân, các đảng đối lập và cả chính trong nhóm thân hữu của Yeltsin) đều không ai biết gì về ông. Những ứng cử viên cho chức tổng thống trước Putin như Primakov hay Stepashin đều không phù hợp vì hoặc là đã thể hiện thái độ chống phương Tây quã rõ và lớn tuổi (Primakov) hoặc bị coi là quá trung thành với cá nhân Yeltsin (Stepashin).
Tuy Putin là một ứng cử viên lý tưởng cho chức tổng thống nhưng cái lợi thế không ai biết gì về ông và thời gian quá ngắn cho việc bầu cử lại khiến cho khả năng trúng cử của ông thấp. Chính vì lý do đó mà Yeltsin, Primakov (và Luzhkov đồng minh của ông) cùng Stepashin đã có một màn kịch ngoạn mục trong hơn 1 năm để đưa Putin từ một người vô danh thành tống thống Nga. Sau khi Putin lên làm tổng thống, ngoại trừ Yeltsin đã về nghỉ, 3 người còn lại Primakov, Luzhkov và Stepashin còn đi theo giúp đỡ ông trong hơn 10 năm tiếp. Trong mười năm đó, Putin đã xây dựng đội ngũ của mình để khi những người vừa nói về hưu thì ông đã đủ lực để tiến hành các bước đối đầu công khai với phương Tây. Chúng ta cũng thấy rằng, dù đã thành công trong việc đưa Putin lên làm tổng thống nhưng Yeltsin đã giao lại cho người kế nhiệm một con tàu vũ trụ chỉ mới đóng dang dở được 1/5 và tất cả những gì chưa đóng, hay cách lái nó đều là con số không tròn trĩnh. Putin và những người sẽ đi cùng ông sẽ phải tự làm tất cả các việc còn lại để cho con tàu bay lên.
Ý nghĩa của câu chuyện trên là những gì mà chúng ta hay được nghe tuyên truyền rằng cuộc chiến ở Ukraine là “cuộc chiến của Putin” và chỉ cần Putin bị chết vì ám sát hay vì bệnh tật thì mọi việc sẽ lại quay về như cũ là một sự lừa dối.
Nếu các tài nguyên khổng lồ và sự chậm chạp khiến cho nước Nga như một núi băng trôi thì Putin chỉ là một ngọn cờ cắm trên đỉnh núi băng đó. Chúng ta thấy có một con tàu khổng lồ phương Tây với muôn vàn ánh đèn, tự tin tới mức kiêu ngạo, phóng hết tốc lực trên biển và tự tin rằng mọi vật sẽ phải tránh đường hoặc tan vỡ khi đâm vào nó. Nếu nhìn một cách hình ảnh như vậy thì chúng ta thấy rằng, vấn đề chỉ là sớm hay muộn thì dù có Putin hay không có Putin, con tàu phương Tây và núi băng đó cũng sẽ đâm vào nhau. Ukraine, dù vô tình hay hữu ý, đã đứng vào giữa núi băng trôi và con tàu đang phóng nhanh hết tốc lực đó.
Ở trong phần sau, chúng ta sẽ nói về khía cạnh đấu tranh quyền lực nội bộ của Putin để thu phục quân đội Nga và cải tổ để biến nó thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả. Sau đó, chúng ta sẽ bàn về việc Putin đã chọn cách nào để có thể lấy được sự ủng hộ của nhân dân Nga cho một nước Nga mới mà ông xây dựng.
CẬP NHẬT: anh Nguyen Viet Long đã nhắc nhở rằng thời điểm NATO bắt đầu ném bom Nam Tư là tháng 3/1999 chứ không phải tháng 3/1998. Do đó, câu “Tháng 3/1998, NATO bắt đầu tiến hành ném bom vào toàn bộ các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của Nam Tư.” được sửa là “Tháng 3/1999, NATO bắt đầu tiến hành ném bom vào toàn bộ các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của Nam Tư.”
LƯU Ý VỀ BẢN QUYỀN:
những dữ kiện và phân tích uyên bác mà không phải chuyên gia thì không thể viết được. Nhưng câu chuyện về việc đưa Putin lên ghế tổng thống là kế hoạch chung của Eltsin, Primakov, Stepasin, Luzkov thì hoàn toàn không giống Eltsin mô tả chi tiết trong cuốn hồi ký Cuộc chạy đua tổng thống và hồi ký 8 tháng trên cương vị thủ tướng của Primakov. Có thể sau này Putin vẫn trọng dụng các ông kia vì uy tín và đạo đức, năng lực của họ chứ không phải vì họ đã giúp đưa Putin lên ghế tổng thống. Còn các ông kia quay lại hỗ trợ Putin vì họ nhận ra năng lực của Putin (và biết họ không phải là đối thủ). Cũng có thể suy diễn là chính Eltsin đã chọn các ông này để phò trợ Putin bằng cách đưa họ lên ghế thủ tướng rồi bất ngờ sa thải khiến họ hụt hẫng phải ra lập đảng đối lập để sau đó khi Putin lên nắm quyền thì trọng dụng lại (kiểu đế vương tâm thuật của các hoàng đế trung quốc lúc truyền ngôi ngày xưa). Nhưng đọc hồi ký của Eltsin thì có lẽ đó đơn thuần chỉ là các giải pháp tình thế của Eltsin trong lúc rối ren và cố gắng chuyển giao êm thấm cho người mà ổng chọn. Dù sao cũng cám ơn tác giả.
On related themes . . .
May interest you . . .
https://les7eb.substack.com/
Free to subscribe . . .